Đề nghị này được ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch JICA nêu khi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 18/12, bàn giải pháp Việt - Nhật tiếp tục hợp tác vay ODA thế hệ mới cho các dự án trong giai đoạn tới.
Theo Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nhiều năm qua tổ chức này có nhiều chương trình hỗ trợ dự án trọng điểm dùng vốn ODA phù hợp với tình hình, nguyện vọng của Việt Nam. Tuy nhiên, một số dự án triển khai dùng nguồn vốn này đang gặp vướng mắc, như dự án đường sắt đô thị số 1 TP HCM (Metro số 1), đoạn Bến Thành - Suối Tiên.
"Chúng tôi mong Việt Nam quan tâm, nhanh chóng giải quyết những vấn đề của dự án này", ông Tanaka Akihiko nói.
Metro số 1 TP HCM chạy thử lần 2, tháng 4/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Metro số 1 TP HCM (Bến Thành - Suối Tiên) là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM, khởi công năm 2012 với 4 gói thầu chính dùng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Dự án dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến Depot Long Bình (TP Thủ Đức), gặp một số vướng mắc liên quan vốn, gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu toa toa xe. Metro số 1 TP HCM hiện đạt trên 96% khối lượng và dự kiến vận hành thương mại vào tháng 7 năm sau.
Ngoài Metro số 1 TP HCM, ông Tanaka Akihiko cũng muốn Chính phủ Việt Nam thúc đẩy thủ tục để sớm được triển khai. Xử lý dứt điểm những vướng mắc này, Chủ tịch JICA cho rằng sẽ là nền tảng để Việt - Nhật thúc đẩy những dự án hạ tầng quan trọng trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch JICA, sáng 18/12, tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Dương Giang
Thủ tướng Phạm Minh Chính tán thành với Chủ tịch Tanaka Akihiko về xử lý các vướng mắc của dự án cũ "nhanh nhất có thể". Việc này sẽ giúp hai bên rút kinh nghiệm cho thực hiện các dự án vay ODA thế hệ mới nhanh chóng, hiệu quả hơn.
"Chúng ta cần dọn dẹp những tồn đọng kéo dài để bắt đầu thế hệ vay ODA mới đơn giản, mang tính xoay chuyển tình thế và hiệu quả hơn so với giai đoạn vừa qua", Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính làm việc với JICA, các cơ quan phía Nhật Bản những vấn đề cụ thể để xử lý dứt diểm các tồn tại ở các dự án đã triển khai giữa hai bên.
Bộ Giáo dục & Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với phía Nhật để sớm xử lý vấn đề liên quan dự án tại trường Đại học Việt - Nhật.
Vốn viện trợ phát triển chính thức trong 30 năm qua được nhìn nhận đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Dòng vốn này cũng góp phần giúp Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, giáo dục và là nền tảng để Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nhắc tới các khoản vay ODA thế hệ mới, Thủ tướng đề nghị JICA xem xét, cho Việt Nam vay với ưu đãi, thủ tục đơn giản hơn để làm các dự án hạ tầng chiến lược như giao thông, y tế, giáo dục; hay các lĩnh vực mới gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ bán dẫn, điện tử. Việt Nam cũng muốn các dòng vốn ưu đãi của Nhật sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực, hợp tác lao động.
Hai bên sẽ lựa chọn dự án cụ thể, trọng điểm và đưa ra lộ trình nhằm thực hiện hiệu quả hơn giai đoạn trước, theo Thủ tướng.
Ông Tanaka Akihiko nói đồng ý với các lĩnh vực cụ thể cho hợp tác ODA mới được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập. Phía JICA sẽ làm việc với các bộ, ngành Việt Nam để triển khai các bước tiếp theo.
Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yen (27,5 tỷ USD). Vốn ODA giai đoạn vừa qua tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị. Năm 2023, lần đầu tổng giá trị vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vượt 100 tỷ yen (khoảng 674 triệu USD) kể từ năm tài khóa 2017.
Thủ tướng Phạm Minh Chính công tác tại Nhật và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản, ngày 15-18/12. 2023 là năm Việt - Nhật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 11.
-
Nhật Bản cam kết cho vay 7.000 tỷ đồng tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên
Nhật Bản và Việt Nam vừa ký hợp tác vốn vay ODA hơn 41 tỷ Yên (7.000 tỷ đồng) bổ sung vốn cho dự án Metro số 1 TP.HCM.
-
Đề xuất gần 20.000 tỷ xây cầu trên cao, xóa “nút thắt” lớn nhất cửa ngõ TP.HCM – Bình Dương
Đoạn quốc lộ 13 qua địa bàn Thủ Đức là một trong những tuyến giao thông lớn nhất nối khu vực cửa ngõ TP.HCM với Bình Dương nhưng thường xuyên ùn tắc. Tuyến đường này được đề xuất mở rộng với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng....
-
Sắp khởi công cầu vượt cao tốc 1.000 tỷ đồng qua Quốc lộ 51
Dự kiến cuối tháng 12, cầu vượt tại nút giao giữa cao tốc Bến Lức – Long Thành và Quốc lộ 51 sẽ được Ban Quản lý dự án đường cao tốc phía Nam khởi công, nhằm nâng cấp nút giao hiện tại thành cầu vượt, tạo kết nối trực tiếp giữa cao tốc Bến Lức – Long...
-
TP.HCM dự kiến đầu tư gần 8.500 tỉ đồng để xây đường trên cao nối Quận 7 với Nhà Bè
TP.HCM dự kiến triển khai xây dựng đường trên cao 4 làn xe trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, nối từ Nguyễn Văn Linh (Quận 7) đến cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Nhà Bè).