Đánh giá về tình hình hoạt động của 25 doanh nghiệp (DN) bất động sản niêm yết trên sàn của Công ty Chứng khoán FPT cho thấy, đến hết quý 3 vừa qua, doanh thu của các DN này đã tiếp tục giảm ở mức 22%; lợi nhuận giảm 37% so với năm ngoái. Kéo theo đó, lượng BĐS tồn kho của các DN cũng tăng thêm đến 7% và hệ số nợ cao gấp 1,4 lần so với vốn chủ sở hữu khiến chi phí lãi vay ăn hết lợi nhuận.
Dù nhiều DN có thêm nguồn thu từ việc bán dự án, thoái vốn đầu tư khỏi một số lĩnh vực khác, nhưng tổng nhuận trước thuế của các DN này cũng chỉ đạt hơn 752 tỷ đồng. Riêng trong quý 3, lợi nhuận các DN thu về chỉ đạt gần 122 tỷ đồng, giảm tới 68% so với năm trước. Đến thời điểm này, mới có khoảng 7/25 DN dự kiến hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
Khó khăn về tài chính đã khiến nhiều chủ đầu tư không còn đủ sức hoàn thiện dự án, kéo theo nhiều dự án phải ngưng trệ. Nhưng sau những thương vụ hợp tác của các chủ đầu tư thời gian gần đây, nhiều dự án BĐS đã có cơ hội phục hồi. Cụ thể, Công ty BĐS Hưng Thịnh đã thỏa thuận với chủ dự án Kim Tâm Hải, đầu tư cho DN này 40 tỷ đồng để hoàn thiện dự án căn hộ Kim Tâm Hải tại quận 12 để được độc quyền phân phối dự án này.
Sau khi thỏa thuận với Tập đoàn C.T Group để mua lại Dự án căn hộ Thiên Lộc tại quận Gò Vấp để hoàn thiện và đổi tên thành Sun View 3 đưa ra chào bán. BĐS Đất Xanh tiếp tục liên kết với Công ty Địa ốc Phú Gia nhằm đầu tư hoàn tất dự án Gia Phú ở quận Thủ Đức bằng thỏa thuận: Đất Xanh chi 250 tỷ đồng để mua lại toàn bộ giai đoạn 2 của Dự án Gia Phú, gồm 1 block nhà cao 15 tầng với 182 căn hộ...
Theo một đại diện Hiệp hội BĐS thành phố, hiện tượng doanh nghiệp BĐS bắt tay hợp tác đầu tư các dự án dở dang là tín hiệu tốt với thị trường trong việc giải quyết hàng tồn kho và tạo tính thanh khoản. Tuy nhiên, để giải quyết chuyện tồn kho cho lĩnh vực BĐS, cần có tiêu chí phân loại cụ thể như căn hộ đã hoàn thiện, vào ở ngay; căn hộ ở những dự án dở dang nhưng đã đủ điều kiện để chào bán… căn hộ xây dựng dở dang hiện đang tồn đọng khá nhiều do người mua chỉ nhắm vào căn hộ đã hoàn tất. Trong khi chủ dự án cạn vốn, không thể tiếp tục đầu tư và rất cần được vay vốn ngân hàng.
Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng, yếu tố cấu thành nên giá bất động sản chủ yếu là tiền sử dụng đất và lãi suất. Vì vậy, để hỗ trợ DN giải quyết hàng tồn kho, DN BĐS cần được giảm thuế VAT và tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố, vấn đề quan trọng trong việc hỗ trợ giải quyết tồn kho BĐS là ngân hàng cho vay ưu đãi với người mua nhà để kích thích thị trường