02/05/2020 8:00 PM
Một chủ đầu tư trước đây cho rằng làm sân golf là cách để lấy tiền của người giàu dễ nhất. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy việc kiếm lợi nhuận từ kinh doanh sân golf thuần túy là không dễ nên các chủ đầu tư hướng đến các giá trị gia tăng từ dự án sân golf để bù đắp.

Kiếm lời từ việc kinh doanh dịch vụ chơi golf thuần túy không hề dễ dàng. Ảnh minh họa: FLC

Với Nghị định 52 ban hành 27-4, kinh doanh sân golf đã chính thức trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, chứ không còn bị bó buộc bởi quy hoạch như trước. Cơ hội để các doanh nghiệp có nội lực chủ động đầu tư sân golf đã mở ra trong thời gian tới. Nhìn chung dưới hình thức đầu tư nào, theo quy hoạch hay có điều kiện thì sân golf vẫn là những dự án hấp dẫn các ông lớn bất động sản.

Thực tế, trong 2 thập kỷ qua, khi làm sân golf vẫn “ngó” quy hoạch thì cuộc đua đầu tư vào lĩnh vực này cũng rất nóng dù không mấy ai trong đó kiếm được lợi nhuận. Vậy lợi ích kinh tế thực sự của sân golf là gì?

Không dễ kiếm lời từ kinh doanh sân golf thuần túy

Về mặt kinh doanh, các động thái đầu tư mới cũng được xem là nhằm đón đầu xu thế giải trí của các nhà quản trị cao cấp nước ngoài, khi dòng vốn đầu tư vào Việt Nam được dự đoán ngày càng sẽ cải thiện đáng kể. Số người chơi golf ở Việt Nam hiện khoảng 15.000 người, đa phần là người nước ngoài.

“Việt Nam nằm trong số những điểm đến chơi golf đang lên trên thế giới”, ông Mark Siegel, Giám đốc điều hành Công ty tổ chức giải thi đấu golf lớn nhất châu Á – Golfasian từng nói.

Theo vị này, du lịch kèm chơi golf có thể mang lại cho Việt Nam 200-300 triệu đô la doanh thu hàng năm. Tuy nhiên, đối với một chủ đầu tư bất động sản, golf có thể mang lại nhiều thứ. Golf giúp hoàn thiện chuỗi nghỉ dưỡng từ khách sạn, biệt thự đến giải trí. Việc sở hữu một sân golf đồng nghĩa với danh tiếng và đẳng cấp của doanh nghiệp tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, con số trên chỉ dừng lại ở mức kỳ vọng, thực tế việc tìm kiếm lợi nhuận từ việc kinh doanh sân golf thuần túy (phí chơi và phí dịch vụ) không hề đơn giản. Theo khảo sát của Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), một sân golf 18 lỗ, muốn lấy lại vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm. Còn muốn có lợi nhuận 10% thì phải là 33.000 lượt người chơi/năm.

Nguồn thu cho các sân golf đến từ nhiều mảng, gồm phí hội viên, phí chơi một vòng golf, doanh thu từ bán dụng cụ, trang phục chơi golf, phí caddie, cũng như doanh thu từ mảng lưu trú, ăn uống phục vụ cho khách chơi... Trong số đó, phí hội viên (khoảng 20.000 đô la/người) chính là nguồn thu quan trọng nhất cho các chủ đầu tư golf.

Mặc dù vậy, với số lượng trung bình khoảng 500 người chơi cho mỗi sân hiện nay, áp lực duy trì lợi nhuận cho các sân golf rất lớn do doanh thu hằng năm không đủ bù đắp nổi chi phí duy trì sân và đội ngũ nhân viên túc trực rất tốn kém.

Từng chia sẻ trên Wall Street Journal, khi bắt tay vào đầu tư dự án sân golf, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho rằng dự án 100 triệu đô la của mình sẽ không thể kiếm được lợi nhuận từ chính nó. Tác động có lẽ là thúc đẩy thêm lượng khách cho các khách sạn và căn hộ xung quanh sân golf này.

Khả năng hoàn vốn tương đối khó cũng khiến không ít nhà đầu tư vào sân golf vướng phải thua lỗ. Đơn cử như Công ty Đầu tư PV- Inconess (RGC) liên tục thua lỗ kể từ khi đi sân golf vào hoạt động. Hay như Công ty cổ phần Rạng Đông sau khi tiếp nhận dự sân golf Phan Thiết 2 tuần (12-2013) đã xin chuyển đổi sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng... vì cho rằng kinh doanh sân golf không hiệu quả, luôn bị thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí.

Thực tế, đầu tư sân golf tại Việt Nam đang bất chấp những quan điểm trái chiều, nhưng vẫn đang trở nên hấp dẫn. Bởi đằng sau đó, sân golf là một trong những hạng mục quan trọng tạo giá trị gia tăng để các khu nghỉ dưỡng lớn thu hút khách du lịch.

Giá trị gia tăng của sân golf là gì?

Nếu xét về tỷ suất đầu tư chỉ trong hoạt động kinh doanh dịch vụ golf thuần túy thì ngành này đang đứng trước nhiều khó khăn. Nhưng bài toán giá trị gia tăng của các sân golf có thể được nhìn nhân ở một góc độ khác.

Một chuyên gia về bất động sản ở TPHCM khẳng định sân golf đang thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư thực ra không vì lợi nhuận, mà là những lợi ích sau đó. Trong đó, quỹ đất lớn có thể chuyển đổi thành các dự án để đắp đổi cho chi phí đầu tư. Tuy nhiên, để việc đầu tư sân golf đi đúng đích hỗ trợ cho du lịch thì nên đầu tư tại các địa phương có thế mạnh phát triển ngành này.

"Tại các đô thị lớn, việc phát triển quá nhiều sân golf cho thấy sự mâu thuẫn và xâm lấn lên các lợi ích xã hội khác", chuyên gia này chia sẻ.

Trước đây, khi việc đầu tư sân golf dựa chủ yếu quy hoạch, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hà cho biết có tới 80% diện tích sân golf lấn vào đất nông nghiệp, 2/3 diện tích trung bình các dự án được dùng để xây xây biệt thự. Đây thực chất là kinh doanh bất động sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường từng thừa nhận chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi phân cấp cấp phép dự án sân golf cho địa phương (2016), số lượng sân golf đã bùng nổ gấp 3 lần so với 14 năm Trung ương quản lý.

Từ khi sân golf đầu tiên được cấp phép (năm 1992) đến nay, cả nước đã có 120 dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf đã được cấp phép hoặc có chủ trương nghiên cứu thực hiện dự án tại hơn 40 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, chỉ có 21 dự án trong số đó kinh doanh sân golf, các dự án còn lại là kết hợp kinh doanh sân golf và bất động sản, khu du lịch.

Theo văn bản 5284/BKH-ĐTNN của Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi Chính phủ, các dự án đầu tư có mục tiêu sân golf thường chiếm một diện tích rất lớn, bình quân khoảng 374 ha/dự án. Trong đó, diện tích đất sử dụng cho golf lại chưa tới 30% tổng diện tích đất dành cho các dự án sân golf.

Trong số dự án kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh bất động sản, khu du lịch, có tới 70% diện tích các dự án được sử dụng cho mục đích biệt thự để bán và cho thuê, khu nghỉ dưỡng, khu cây xanh, rừng cảnh quan…Hiệu quả chủ yếu mà chủ đầu tư sân golf này trông đợi để sớm thu hồi vốn chính là từ các mục tiêu bất động sản đi kèm.

Gần đây nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn chuyển hướng sang phân khúc nghỉ dưỡng cũng đã bắt đầu đưa sân golf vào để tăng giá trị cho các dự án khu đô thị của mình. Từ đó một quần thể từ biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn hay condotel đính kèm sân golf được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Và nay thì Chính phủ đã chính thức ban hành nghị định mới về “quản” kinh doanh sân golf. Nghị định này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ làm nên một “cuộc cách mạng” trong việc quản lý một ngành kinh doanh cụ thể, mà còn đánh dấu việc Việt Nam thực sự bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm phi thị trường. Cơ hội để các chủ đầu tư tìm kiếm giá trị lợi ích từ sân golf lại tăng thêm với nhưng khu đô thị nghỉ dưỡng được hỗ trợ.

Nghị định 52 ban hành ngày 27-4 quy định nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng 3 điều kiện:

1- Đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư.

2- Có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện Dự án sân golf và người lao động tại địa phương.

3- Tự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.

Việc cung cấp dịch vụ chơi golf, kinh doanh hoạt động tập luyện, thi đấu và các dịch vụ có liên quan phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính và nhân lực theo quy định của pháp luật về thể dục, thể thao.
V.Dũng (Saigontimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.