Trong số 127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 có dự án sân bay Long Thành.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020. Theo đó, có tổng cộng 127 dự án, được chia thành 5 nhóm, gồm: kết cấu hạ tầng kỹ thuật; kết cấu hạ tầng xã hội; nông nghiệp; bảo quản chế biến; các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ.

Theo thông tin trên tờ Vneconomy, trong số các dự án này có: dự án đường cao tốc Bắc Nam, đoạn Ninh Bình - Thanh Hoá và Thanh Hoá - Nghi Sơn, vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ USD; cao tốc Nội Bài - Hạ Long vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD; cao tốc Dầu Giây - Liên Khương vốn 3,5 tỷ USD; cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) hơn 5,6 tỷ USD…

Các dự án nói trên dự kiến được Chính phủ chấp thuận đầu tư dưới hình thức PPP, BOT, ODA, 100% vốn ngoại hoặc liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài.

Dự án sân bay Long Thành sẽ vay 100% vốn nước ngoài

Liên quan tới dự án này, trong giai đoạn 1 của dự án, Bộ GTVT xác định, việc huy động nguồn vốn lớn trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn, nên để giảm bớt nguồn lực đầu tư ban đầu, tăng hiệu quả kinh tế - tài chính cũng như tính khả thi cho dự án, cơ quan này đề xuất chia nhỏ thành hai kỳ đầu tư trong giai đoạn này.

Cụ thể giai đoạn 1a cần khoảng 5,6 tỷ USD để xây dựng 1 đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách công suất 17 triệu khách/năm; giải phóng mặt bằng hơn 2.500 ha.

Giai đoạn 1b sẽ hoàn thành giải phóng nốt gần 2.400 ha còn lại cũng như xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh. Số tiền cần bổ sung thêm khoảng 2,2 tỷ USD.

Theo cơ quan này, sẽ có khoảng 48,3% trong tổng nguồn đầu tư của giai đoạn 1a, tương đương 2,7 tỷ USD là dùng tiền của Nhà nước (ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vay ODA).

Số tiền từ nguồn ngân sách sẽ chi cho khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, bồi thường giải phóng mặt bằng, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc).

Hơn 2,9 tỷ USD còn lại (chiếm 51,7%) là nguồn huy động từ doanh nghiệp, liên doanh liên kết, hợp tác công - tư…) được dùng để xây nhà ga, sân đậu ô tô, khu sửa chữa bảo trì máy bay, hệ thống cấp nhiên liệu và các công trình thương mại.

Đặc biệt, tập đoàn ADPi của Pháp được nói đến với tư cách là đầu tư tư nhân lớn nhất khi sẵn sàng đề nghị cả đầu tư trực tiếp và huy động ngân hàng với tổng số tiền lên đến 1,5 tỷ USD - tương đương hơn 50% vốn ngoài ngân sách cho dự án này (giai đoạn đầu).

Được biết, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng về việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 5/2014.

Phương Nguyên (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.