Chính quyền địa phương giải thích: Vì trước đó chủ nhà đã hiến đất để mở đường nên phải cho họ xây nhà siêu mỏng.
Nhà siêu mỏng, siêu méo án ngữ mặt tiền những con đường hiện đại mới mở gây bức xúc trong xã hội, cơ quan quản lý đang tìm cách giải quyết. Riêng ở quận Bình Tân (TP.HCM), một số nhà siêu mỏng càng “kỳ lạ” hơn khi đường hoàng chễm chệ nằm trên vỉa hè.

Chiếm luôn vỉa hè

Tuyến đường liên khu 5-6 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) sau khi được nâng cấp, mở rộng nhìn hết sức khang trang, đẹp đẽ với lòng đường 7 m, vỉa hè mỗi bên rộng 2,5 m. Tuy nhiên, rất chướng mắt và khó hiểu khi vỉa hè đang “chạy” ngon lành thì bị cắt khúc bởi sự xuất hiện của hai căn nhà siêu mỏng hai tầng mới cáu cạnh với chiều rộng chưa đầy 2 m, chiều dài khoảng chừng 16-17 m nằm chình ình ngay trên đó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn tọa lạc tại khu phố 6 hiện đang được xây dựng là của ông LTS. Căn nhà với chiều rộng 2 m, chiều dài 17 m được xây dựng dưới hình thức ba kiốt nối liền, mỗi kiốt có hai tầng dùng để cho thuê bán hàng. Căn còn lại của ông NMT, thuộc khu phố 10, phường Bình Hưng Hòa B đã hoàn thành khi đơn vị thi công còn chưa kịp lót gạch vỉa hè. Căn của ông T. cũng được xây dưới hình thức hai kiốt, mỗi kiốt hai tầng như căn kia. Chiều ngang căn này cũng có chiều rộng tương tự như căn của ông S., trọn vẹn khu đất nằm trên vỉa hè đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một kiốt của ông T. đã được bán lại cho người khác với giá 300 triệu đồng, kiốt còn lại thì cho thuê. Ba kiốt của ông S. cũng đã có người đặt cọc thuê dài hạn với giá 2,5 triệu đồng/tháng cho mỗi kiốt.


Ba kiốt nằm trên vỉa hè của hộ ông S. sắp hoàn thành. Ảnh: Đình Vân

Trên các tuyến đường khác thuộc phường Bình Hưng Hòa B, như đường số 6, đường Hồ Văn Long cũng xuất hiện những căn nhà siêu mỏng nằm trên vỉa hè. Ông Võ Thanh Sơn, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, thừa nhận có tình trạng trên. Khi chúng tôi đề nghị cung cấp thông tin về tất cả trường hợp xây nhà siêu mỏng tại phường thì ông Sơn hứa hẹn để thống kê lại rồi cung cấp sau.

Cứ ngỡ những căn này xây dựng trái phép nhưng khi tìm hiểu sự tình, các trường hợp nói trên đều có hồ sơ xin phép xây dựng đầy đủ và được sự chấp thuận của UBND phường sau khi quận đồng ý. Theo đó, nếu người dân tự nguyện hiến đất để mở đường (Nhà nước không bồi thường), thì đổi lại họ được xây dựng trên phần đất còn lại. Cụ thể, ông T. hiến 32 m2 đất mở đường, ông S. cũng hiến phần đất tại lòng đường nhưng phần vỉa hè thì các hộ này không hiến và xin phép xây dựng kiốt như trên. Ngày 23-12-2010, UBND phường Bình Hưng Hòa B ra thông báo chấp thuận cho các hộ này và nhiều hộ khác xây kiốt trên phần đất còn lại, sau khi các hộ này tự nguyện hiến đất mở đường liên khu 5-6.

Sợ dân không hiến đất nên phải cho xây (?)

Khi được hỏi cơ sở nào để giải quyết cho xây nhà trên vỉa hè, ông Võ Thanh Sơn, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, cho biết: Có chủ trương. Cụ thể, năm 2008, lãnh đạo trước đây của phường Bình Hưng Hòa B (ông Sơn mới về nhận nhiệm vụ từ tháng 1-2010- PV) có văn bản xin ý kiến quận về việc cho phép các hộ dân hiến đất mở đường thì được xây kiốt trên phần đất còn lại. Ngày 4-3-2008, UBND quận Bình Tân có Công văn số 238/UBND “chấp thuận chủ trương cho sửa chữa nhà và xây dựng kiốt trên khuôn viên nhà ở. Đồng thời, giao chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B kiểm tra, rà soát pháp lý về sử dụng đất và buộc chủ sử dụng cam kết tháo dỡ không điều kiện khi Nhà nước thực hiện quy hoạch trước khi giải quyết việc sửa chữa nhà và xây dựng kiốt cho các hộ dân”.

Căn cứ vào sự chấp thuận chủ trương của quận, UBND phường đồng ý cho các hộ như ông S., ông T.… được xây dựng kiốt như trên. Giải thích vì sao Công văn số 238/UBND của UBND quận chỉ chấp thuận chủ trương cho sửa chữa nhà và xây dựng kiốt trên khuôn viên nhà ở, trong khi các hộ như kể trên lại xây mới công trình ngay trên đất trước đó là lúa màu, đất vườn thì có đúng chỉ đạo của quận không, ông Sơn cho hay: “Với đất không đúng mục đích sử dụng là đất nhà ở thì phường đã làm tờ trình gửi quận xin ý kiến từng trường hợp cụ thể. Quận đồng ý từng trường hợp thì phường mới hướng dẫn những hộ dân này thực hiện”.

Ông Sơn cho rằng khi người dân đã tự nguyện hiến đất mở đường thì việc chấp thuận cho họ xây kiốt trên phần đất còn lại là “nhằm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo đời sống của họ. Nếu không họ sẽ không hiến đất, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án”. Đồng thời, cũng theo ông Sơn, những căn này đã có cam kết phải tự nguyện tháo dỡ không điều kiện khi dự án tiếp tục triển khai.

Tại sao không giải tỏa nốt phần đất của các hộ này? Ông Sơn giải thích rằng các hộ hiến đến đâu thì mở đường đến đó, không thể ép được họ vì Nhà nước không bỏ tiền ra bồi thường.

Khi được hỏi làm cách nào để phường hay quận quản lý các kiốt này không bị biến tướng thành nhà ở, mua bán sang tay, ông Sơn cho rằng “đó là quan hệ dân sự, nếu có tranh chấp sẽ do tòa giải quyết”.

Trái quy định

Vận động người dân hiến đất mở đường vì lợi ích chung là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu vì thế mà địa phương chấp nhận những công trình siêu mỏng, kỳ dị nằm ngay trên vỉa hè là không đúng pháp luật xây dựng. QĐ 68/2010 về cấp phép xây dựng của TP, phần quy định các trường hợp được xây tạm không đề cập trường hợp xây mới trên đất nông nghiệp là lộ giới đường.

Trong cuộc họp giao ban giữa Sở Xây dựng với các quận, huyện vào ngày 8-4 mới đây, đại diện quận Bình Tân đã có hỏi Sở Xây dựng về chủ trương cho xây kiốt trên phần lộ giới đường khi người dân hiến đất mở đường, đích thân Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quách Hồng Tuyến đã khẳng định là không được. “Cho phép xây tạm làm nhà ở vì đó là nhu cầu thiết yếu, hơn nữa trước đó đã có nhà. Còn đất trống để mở đường mà xây tạm kiốt là không được” - ông Tuyến nói.

Về mặt quản lý đô thị, việc cho xây mới những công trình siêu mỏng chiếm vỉa hè không chỉ làm mất mất mỹ quan, gây bức xúc trong dư luận mà việc giải quyết hậu quả (cho xây tạm rồi tháo dỡ sau) cũng chưa chắc thực hiện được nếu các công trình này biến tướng thành nhà ở, mua bán sang tay.

Khi người viết đặt vấn đề này với quận Bình Tân, chánh văn phòng UBND quận chỉ cho biết: “Sẽ cho rà soát rồi trả lời sau”.

Cứ hiến đất là được xây kiốt (?!)

Trên địa bàn phường có rất nhiều trường hợp như hộ ông Sinh và ông Tâm. Khi mở rộng và nâng cấp đường liên khu 5-6, đường số 6, đường Hồ Văn Long thì những hộ dân đã hiến đất, có nhu cầu xây kiốt trên phần đất còn lại đều được xem xét giải quyết.

Ông VÕ THANH SƠN, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B

tag:nha sieu mong tren via he, dia phuong, hien dat,

Cafeland.vn - Theo Phapluattp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland