Hàng nghìn căn hộ khu tái định cư Bình Khánh (quận 2, TPHCM) đang bị bỏ trống, gây lãng phí. Ảnh: Duy Quang
Xuống cấp, hư hỏng…
Cách quốc lộ 1A vài trăm mét, chợ Tân Phú (quận 9) bề thế khang trang một thời với quy mô gần 350 ki ốt trên mặt bằng diện tích gần 4.000 m2 đang dần xuống cấp sau 16 năm bị bỏ hoang.
Chợ Tân Phú được đầu tư xây dựng vào năm 2004 với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Theo ghi nhận của PV ngày 16/12, các ki ốt trong chợ bắt đầu hư hỏng. Hệ thống thoát nước và phòng cháy chữa cháy mất công năng sử dụng. Một số người dân cho biết, do bất cập trong quy hoạch nên chợ không thu hút được tiểu thương. Chỉ có một con đường độc đạo đi vào, không có đường đi ra nên chợ cũng không thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Đại diện UBND phường Tân Phú cho biết, đã kiến nghị UBND quận 9 cho thay đổi công năng, tiến hành xã hội hóa nguồn lực khai thác chợ, cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê lại nhằm sử dụng hiệu quả mặt bằng nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Chợ Tân Phú (quận 9) đang xuống cấp. Ảnh: Thanh Quang
Vừa qua, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TPHCM tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ công trình Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (phường 10, quận 6) để đầu tư xây dựng lại theo hình thức xã hội hóa. Đây là công trình được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 19 tỷ đồng nhưng đã nhanh chóng xuống cấp và bị bỏ hoang trong nhiều năm.
Đại diện UBND quận 6 cho biết, công trình Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu đưa vào sử dụng từ ngày 1/9/2004. Sau 4 năm, ngôi trường bị lún sụt nền, gây hư hỏng kết cấu chịu lực, công trình phụ trợ như sân nền, nhà vệ sinh, cầu thang thoát hiểm… nên để đảm bảo an toàn, toàn bộ học sinh phải chuyển sang học ở cơ sở khác. Trường bị bỏ hoang từ đó. Ban Quản lý dự án quận 6 (chủ đầu tư) đã cho khảo sát và tiến hành sửa chữa. Sau gần 8 năm với 2 lần thực hiện khắc phục sự cố và qua 15 chu kỳ quan trắc lún, công trình tiếp tục lún sụt và chưa có dấu hiệu ổn định nên chính quyền địa phương thống nhất đề xuất tháo dỡ.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, tính đến hết năm 2019, nguồn nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TPHCM là 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất chưa sử dụng tại 163 dự án. Trong số đó, Khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) có diện tích 38,4 ha và hàng chục block chung cư cao tầng, quy mô 12.500 căn hộ được hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay còn hơn 5.300 căn hộ bỏ trống thuộc các lô từ R1 đến R7. Sau 5 năm, hàng nghìn căn hộ đã bắt đầu xuống cấp.
Tương tự, Khu tái định Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với 45 block chung cư 5 tầng (1.939 căn hộ) được đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay còn gần 1.000 căn hộ bỏ trống. Theo một số hộ dân sống tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B, do không có người ở và không được duy tu nên sau 9 năm “đắp chiếu”, các block chung cư đã xuống cấp, hư hỏng. Hành lang và lối đi bị sụt lún. Hệ thống phòng cháy chữa cháy hư hại, cái mất cái còn. Nhiều căn hộ đã bắt đầu bị nứt…
Thiệt hại lớn
Để xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư, TPHCM vay khoảng 12.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng. Mỗi ngày, tiền lãi phát sinh khoảng 2,9 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, số tiền lãi thành phố phải trả là hơn 902 tỷ đồng. Năm 2016, nợ gốc đến hạn phải trả là hơn 5.200 tỷ đồng và lãi vay phát sinh 829 tỷ đồng. Dù bỏ hoang, hàng ngày, ban quản lý chung cư tái định cư Bình Khánh vẫn phải tốn kinh phí quản lý, bảo vệ, làm vệ sinh, thắp sáng... cho các block chung cư.
Tương tự, Khu tái định cư Vĩnh Lộc B do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 542,68 tỷ đồng, sau nâng lên 847,76 tỷ đồng. Tiến độ xây dựng dự kiến thực hiện trong 2 năm 2004-2005 nhưng dự án chậm tiến độ, làm tăng phát sinh tối thiểu 519 tỷ đồng, bằng 195,7% tổng mức đầu tư ban đầu.
Theo Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng, năm 2020, UBND TPHCM ghi vốn chi khoảng 71 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng số lượng căn hộ tái định cư bỏ hoang này. Báo cáo kiểm toán “hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016-2020 của TPHCM” vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố đã chỉ ra TPHCM đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất tái định cư dôi dư. Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.
Trong khi hàng chục nghìn căn nhà tái định cư bỏ hoang thì chỉ riêng tại TPHCM, kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, đang có gần 100.000 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. |
-
Loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai vào tầm ngắm thu hồi?
Thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án “treo” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, báo cáo UBND thành phố xem xét thu hồi t...
-
Vì sao dự án tái định cư bị "chê"?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3.11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bị bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết các dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 201...
-
VICEM xin tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ “đắp chiếu” hơn chục năm trên đất vàng Hà Nội
Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM....