Từ ngày 5/1, Thông tư liên tịch số 20 do Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành nhằm hướng dẫn nội dung Nghị định 11/NĐ - CP đã có hiệu lực. Theo đó, các khu đô thị chính thức được phép phân lô, bán nền trở lại, tức chuyển quyền sử dụng đất không cần phải xây thô. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Việt Chiến - Cục trưởng Cục quản lý và phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư nêu trên.
Nhà phân lô Khu đô thị Sài Đồng, Long Biên. Ảnh: Đức Giang
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép phân lô, bán nền trở lại sẽ gỡ "nút thắt" cho thị trường bất động sản (BĐS). Cụ thể, tác dụng của điều này như thế nào, thưa ông?

- Trước kia, việc cấm phân lô, bán nền nhằm kiểm soát về trật tự đô thị, nhưng thực tiễn xảy ra là thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn. Bất cập ở chỗ những nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ, sau khi xây dựng xong hạ tầng, hoàn thiện nghĩa vụ tài chính lại không đủ năng lực tiếp tục xây thô sản phẩm để bán. Về phía người dân, khi mua sản phẩm đã có nhà phải trả giá cao hơn. Mặt khác, không phải ai cũng có điều kiện để mua cùng lúc cả đất lẫn nhà.

Ngoài ra, việc áp dụng chung một quy chế không cho phân lô, bán nền ở tất cả các đô thị từ lớn đến nhỏ cũng chưa phù hợp. Đô thị của Hà Nội lớn, gấp 500 lần một đô thị loại 5. Do đó, việc ban hành Nghị định 11 là một bước ngoặt. Hiện việc phân lô bán nền không chỉ dừng ở nghị định mà được Luật Đất đai thông qua, tức được nâng tầm thành luật với mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân.

Vậy những dự án nào được phân lô, bán nền?

- Doanh nghiệp chỉ được chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như điện, đường, chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước… cũng như hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Và phải tuân thủ các quy định về quy hoạch đô thị, quy chế quản lý về kiến trúc của khu vực.

Cụ thể, Điều 194 của Luật Đất đai vừa được thông qua quy định: UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy định của Chính phủ về điều kiện và loại đô thị để quyết định cho chủ dự án kinh doanh nhà ở trên địa bàn được chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền hay không. Theo đó, khu vực thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây nhà có thể là một khu vực bao gồm nhiều dự án, một dự án hoặc một phần trong dự án.

Những dự án nằm trong khu vực trung tâm của đô thị; cạnh các công trình điểm nhấn kiến trúc; có yêu cầu cao về quản lý kiến trúc; nằm ở mặt đường của các trục đường khu vực 16m trở lên sẽ không thuộc diện được phân lô, bán nền. Ngoài ra, những đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cũng không được tự phân lô, bán nền. Các đô thị này đều thuộc diện phải kiểm soát chặt về quy hoạch kiến trúc và trật tự xây dựng. Nếu cho chuyển cũng phải có chọn lọc từng dự án cụ thể.

Hộ gia đình, cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở phải thực hiện xây nhà theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt. Như vậy, nói là tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhưng không phải quá "mở" mà có điều kiện, để vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn vừa đảm bảo quản lý trật tự đô thị.

Với quy định mới này Hà Nội có nhiều dự án được phân lô, bán nền không, thưa ông?

- Chiếu theo các quy định thì Hà Nội hiện nay chưa có nhu cầu. Nếu có nhu cầu, trong từng trường hợp cụ thể sẽ phải căn cứ vào quy hoạch chi tiết. Bản chất của Nghị định 11 là không bắt các đô thị sau khi đầu tư xong hạ tầng phải chuyển quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình và cá nhân. Đây là các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế và Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nếu không có nhu cầu thì không bắt buộc.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Nguyên (Kinh tế và Đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.