17/10/2020 9:25 PM
Theo báo cáo của Chính phủ, về cơ bản NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Trong đó, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành CSTT phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Chính phủ vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội, các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Các công cụ điều hành chính sách được thực hiện linh hoạt, hiệu quả

Báo cáo nêu rõ, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 113/2015/QH13 và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 7, 8 Quốc hội khóa XIV, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động nghiên cứu, rà soát, phân công các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, có hiệu quả những nội dung có liên quan đến lĩnh vực Ngân hàng.

Đến nay, về cơ bản NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Chủ động, linh hoạt trong điều hành CSTT phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, niềm tin vào VND được củng cố. Mặt bằng lãi suất ổn định, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm. Tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng và hiệu quả, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng.

Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đạt được kết quả quan trọng, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, quy mô và năng lực tài chính tiếp tục được nâng cao; năng lực quản trị điều hành từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế; tính minh bạch và chất lượng dịch vụ ngân hàng được cải thiện; nợ xấu được kiểm soát và tiếp tục duy trì ở mức an toàn, ổn định. Hoạt động thanh toán tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại được áp dụng; số lượng và giá trị thanh toán tăng trưởng mạnh; các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cơ bản được lường đón, kiểm soát và xử lý kịp thời.

Các giải pháp đồng bộ nêu trên đã góp phần tích cực giúp nền kinh tế đạt được nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, duy trì mức tăng trưởng khá giai đoạn 2016-2020 (khoảng 6,21-7,08%), lạm phát được kiểm soát ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra.

Về điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị đồng Việt Nam,thanh khoản hệ thống, ổn định thị trường, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Từ năm 2016 đến nay, trong những giai đoạn thị trường thuận lợi, NHNN mua ngoại tệ từ TCTD để củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước (DTNHNN), phối hợp đồng bộ các biện pháp, công cụ CSTT, bao gồm cả chủ động truyền thông định hướng thị trường, bán ngoại tệ can thiệp một cách linh hoạt, phù hợp để ổn định thị trường ngoại tệ khi tỷ giá chịu nhiều áp lực; đồng thời, hút tiền về thông qua chào bán tín phiếu NHNN với khối lượng, kỳ hạn và lãi suất phù hợp nhằm chủ động kiểm soát tiền tệ, đảm bảo duy trì vốn khả dụng ở mức hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất thị trường và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) để chủ động kiểm soát tiền tệ, tạo điều kiện ổn định thanh khoản, thị trường tiền tệ.

Mặt khác, NHNN đã thực hiện tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC để hỗ trợ nguồn vốn hoạt động của TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, Nghị định số 34/2015/NĐ-CP, Nghị định số 18/2016/NĐ-CP.

Lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, nâng cao vị thế Đồng Việt Nam

Đối với điều hành ổn định mặt bằng lãi suất, từ năm 2016 đến nay, việc điều hành lãi suất phải đối mặt với nhiều thách thức như: Nhu cầu vốn, đặc biệt là vốn trung dài hạn, cho nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng; trong khi đó nhu cầu phát hành TPCP của ngân sách Nhà nước tăng qua các năm; tâm lý thị trường trong nước phản ứng với các biến động của thị trường thế giới; hệ thống TCTD tiếp tục quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cấp về chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế; năng lực tài chính, quản trị, điều hành giữa các TCTD còn có sự khác biệt lớn; thị trường và kinh tế thế giới diễn biến bất thường và đảo chiều nhanh chóng…

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp để nỗ lực duy trì ổn định và giảm mặt bằng lãi suất. Từ năm 2016 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm 2-2,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,8-1,5%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 2,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kết hợp với điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn với chi phí hợp lý cho các TCTD; chỉ đạo các TCTD cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh. So với các nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam hiện là một trong các mức giảm mạnh nhất. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Tính đến tháng 7/2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4. Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%), và Ấn Độ (9,05%) thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp do tác động của dịch bệnh Covid-19, tâm lý trên thị trường có thời điểm bị tác động tiêu cực, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, kết hợp với các giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý, chủ động truyền thông, điều chỉnh giảm tỷ giá bán can thiệp và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt.

Như vậy, theo Chính phủ, việc điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt đã góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế Đồng Việt Nam, giảm tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô; đồng thời, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, tạo nguồn cung tăng DTNHNN, góp phần giảm dần tình trạng đô la hóa, chuyển hóa nguồn ngoại tệ thành nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Tỷ giá trung tâm các năm 2016-2019 và đến ngày 28/9/2020 lần lượt tăng 1,23%; 1,2%; 1,78%; 1,45% và 0,31% so với cuối năm trước; tỷ giá bình quân liên ngân hàng lần lượt tăng 1,2%; giảm 0,25%; tăng 2,16%; giảm 0,12% và tăng 0,08% so với cuối năm trước. Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại.

Theo báo cáo của Chính phủ, điều hành tín dụng tăng trưởng phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, từ năm 2016 đến nay, tín dụng đều có mức tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm và có mức tăng trưởng bình quân năm trên 16%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2016: 18,25%; năm 2017: 18,28%; năm 2018: 13,89%; năm 2019: 13,65%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

“Những năm gần đây, tín dụng tăng trưởng phù hợp, được kiểm soát theo mục tiêu nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao, cho thấy các giải pháp, chính sách tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, vừa đảm bảo mở rộng tín dụng hiệu quả, an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát”, báo cáo nhấn mạnh.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Đức Nghiêm (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.