NƠXH không bị kỳ thị ở Hà Lan bởi chất lượng của loại hình nhà ở này không bị quá chênh so với loại hình nhà ở khác. Trong lịch sử Hà Lan, chính sách nhà ở và quy hoạch đô thị được liên kết chặt chẽ với chính sách phát triển của quốc gia và địa phương. Chính quyền đô thị đóng vai trò đặc biệt trong việc thực hiện cung cấp NƠXH quy mô lớn.
Nhà ở xã hội điển hình ở Hà Lan
Chính sách nhà ở trước năm 1990
Từ khi kết thúc thế chiến II cho đến những năm 1990, Chính phủ Hà Lan đã có chính sách trợ cấp rất lớn về NƠXH nhằm đối phó với tình trạng thiếu nhà ở kinh niên trong thời kỳ tăng trưởng cao và đô thị hóa nhanh chóng lúc bấy giờ. Theo cơ chế này, các khoản trợ cấp khổng lồ kết hợp với chính sách của TP luôn ủng hộ NƠXH đặc biệt ở các TP lớn. Lúc này vai trò của các tổ chức tư nhân vô cùng yếu đuối vì không có chính sách hỗ trợ cũng như khuyến khích phát triển.
Chính phủ có một chương trình đổi mới đô thị trên toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng nhà ở, lúc này TP được nhận ngân sách tương đối về đổi mới nhà ở để phân phối lại cho các địa phương. Các tổ chức, hiệp hội nhà ở đã liên kết với nhau để duy trì và đảm bảo nhà ở tại mức giá mà người dân có thể chi trả. Thời kỳ này, NƠXH và chính sách quy hoạch đô thị ở Hà Lan được xem là "vô cùng mật thiết" có cùng mục tiêu là đảm bảo nhà ở cho toàn thể người dân. Điều này dẫn đến kết quả tích cực hơn so với các nước khác ở chỗ tạo mối quan hệ tốt giữa chính quyền đô thị, các hiệp hội nhà ở và người dân.
Giải pháp trợ cấp của Chính phủ Hà Lan trong vấn đề nhà ở đã mang lại nhiều lợi ích xã hội trực tiếp là giúp ổn định giá BĐS và đã làm giảm mức độ đầu cơ tư nhân vào lĩnh vực này. Giải pháp này cũng tạo ra mối liên kết trực tiếp giữa quy hoạch quốc gia và địa phương về phát triển đô thị một cách thống nhất. Bằng cách kiểm soát đất đai, TP xác định được tốc độ phát triển đô thị của mình. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt, mối quan hệ với khu vực tư nhân tương đối yếu kém trong thời kỳ này. Bên cạnh những điểm lợi về chính sách trợ cấp, thời gian này, Chính phủ cũng đặc biệt phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đất để phát triển hạ tầng và NƠXH. Điều này dẫn đến là Chính phủ buộc phải nghĩ đến chính sách điều chỉnh sao cho hợp lý hơn để cân bằng với các chính sách khác của quốc gia.
Chính sách nhà ở sau năm 1990
Có sự thay đổi sâu rộng của Chính phủ ở Hà Lan về chính sách nhà ở đã tác động lớn đến thị trường NƠXH trong thời kỳ này. Vào năm 1995, chính thức kết thúc tất cả các trợ cấp của Chính phủ về NƠXH. Chính sách lúc này chuyển sang khuyến khích hoạt động của khu vực tư nhân. Khi đó, chính quyền TP tuy vẫn có ảnh hưởng trong các cuộc đàm phán với các nhà phát triển tư nhân nhưng nhìn chung, không thể có vai trò mạnh mẽ như lúc trước. Thay đổi chính sách trợ cấp của Chính phủ và thúc đẩy đầu tư tư nhân, đặc biệt là thông qua quyền sở hữu nhà ở tư nhân và vay vốn để phát triển nhà ở đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong phát triển NƠXH. Cung cấp NƠXH mới đã giảm 2,5%. Kết quả dẫn đến có sự tranh cãi lớn về mối quan tâm thiếu hụt nhà ở, đòi hỏi phải có những cải cách chính sách hơn nữa để giải quyết vấn đề này, bao gồm cả việc cải thiện các quy trình lập quy hoạch và quy định ảnh hưởng đến hoạt động thị trường NƠXH.
Luật Quy hoạch Không gian được Quốc hội Hà Lan sửa đổi và có hiệu lực vào năm 2008, trong đó quy định chính quyền đô thị có thể có quyền xác định các khu vực phát triển NƠXH. Đây là quy định mới so với trước đây. Cơ chế này được đề xuất để bù đắp cho vai trò suy giảm của TP trong vấn đề NƠXH và quản lý đất đai. TP có thể thực hiện kế hoạch thu tài chính cho các chi phí phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng. Việc ứng dụng quyền hạn này là tự nguyện và do đó phụ thuộc vào chiến lược nhà ở ở mỗi đô thị. Tuy nhiên, khi đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong thị trường nhà ở vào năm 2003, Chính phủ Hà Lan đã có yêu cầu khẩn cấp các TP cần phát huy vai trò hơn nữa để thúc đẩy phát triển NƠXH, đồng thời khuyến khích các hiệp hội nhà ở cần hợp tác với các TP để đạt được một khối lượng cao hơn về NƠXH. Vì thế, ở một chừng mực nào đó, Hà Lan dường như có “thiên hướng” về chiến lược cung cấp nhà ở xã hội trước đó để kích thích nguồn cung tổng thể sau một thời gian trì trệ trong phát triển NƠXH.
Như vậy, chính sách trợ cấp truyền thống và chính sách mới sau này của Hà Lan có thể sẽ là bài học mà ở đâu đó chính quyền đô thị có thể áp dụng một phần trong bối cảnh của mình. Chính sách NƠXH có thể sẽ còn được thay đổi liên tục để phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn..