Chủ đầu tư “om quỹ bảo trì – chây ì bàn giao hồ sơ” công trình tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ. Sau khi có văn bản (ngày 19/9) yêu cầu chủ đầu tư C’Land bàn giao hồ sơ và kinh phí bảo trì cho BQT theo quy định, cuối tháng 11 vừa qua, UBND quận Nam Từ Liêm đã làm việc cụ thể với các bên liên quan. Nhưng...

Tưởng chừng việc coi thường chính văn bản do mình phát ra là đỉnh điểm cho sự thiếu chuyên nghiệp, tiền hậu bất nhất của CLand trong quá trình điều đình với BQT tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ, nhưng diễn biến cuộc họp gần nhất (ngày 25/11) giữa ba bên (đại diện chính quyền quận – chủ đầu tư – BQT) mới cho thấy rõ nét cách hành xử "trên Luật" của một đơn vị thuộc Tổng Handico.

Cây muốn lặng...

Sau gần ba giờ làm việc, cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm – ông Nguyễn Trường Sơn – chủ trì xoay quanh mâu thuẫn trách nhiệm – lợi ích tại công trình tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ đã đi đến thống nhất nhiều nội dung.
Về việc khắc con dấu, BQT đang làm thủ tục với CA Hà Nội và đã có phiếu hẹn trả kết quả (thông tin cập nhật tại ngày 28/11: con dấu đã được chính thức cấp cho BQT CT3 Lê Đức Thọ). Thứ hai, BQT đã xây dựng quy chế thu, chi tài chính, lấy phiếu ý kiến thông qua các cư dân tòa nhà theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD.

Thứ ba, chủ đầu tư và BQT đồng ý trước mắt mở chung một tài khoản để chuyển kinh phí bảo trì 2% của tòa nhà và đồng sở hữu tài khoản để làm cơ sở cho việc quản lý kinh phí này. Trong quá trình quản lý, có những vấn đề phát sinh cần sử dụng đến kinh phí thì sẽ do các bên thống nhất các khoản chi và chủ động điều hành nguồn kinh phí.

Sau khi C’Land và BQT phân định rõ các phần sở hữu chung, riêng của từng bên thì sẽ tiến hành mở 03 tài khoản theo hướng: BQT mở tài khoản riêng để tiếp nhận kinh phí 2% thuộc sở hữu của cư dân (do BQT làm đại diện) để thực hiện duy trì các phần sở hữu riêng của cư dân theo hợp đồng đã ký kết.

Chủ đầu tư mở tài khoản riêng để tiếp nhận phần kinh phí 2% đối với phần diện tích do chủ đầu tư đang sở hữu, làm cơ sở cho việc quản lý, bảo trì đối với phần diện tích này.

Cuối cùng, C’Land và BQT mở chung 01 tài khoản đối với phần diện tích và hạng mục thuộc sở hữu chung giữa các bên để làm cơ sở cho quản lý, bảo trì diện tích này.

Về thời gian thực hiện các nội dung thống nhất trên, trước 30/11, các bên mở tài khoản chung ban đầu và C’Land thực hiện chuyển phần kinh phí 2% của tòa nhà vào tài khoản chung. Quận đề nghị BQT và C’Land bàn, thống nhất trước 15/12 phần sở hữu chung, riêng, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, sửa chữa, bảo trì tòa nhà.

Gió chẳng dừng

Đến đúng thời điểm đọc lại biên bản để cùng ký, xác nhận, thì chủ đầu tư lại một lần nữa lật kèo không ký vào biên bản trước sự chứng kiến của chính quyền quận, đại diện UBND phường Mỹ Đình 2, đại diện CA phường Mỹ Đình 2. Ghi nhận một vài luận điểm mà C’Land đưa ra tại cuộc họp (và lập tức bị lãnh đạo quận Nam Từ Liêm bẻ gãy) như sau.

Liên quan tới cách hành xử của C’Land, Phó Chủ tịch Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh tổng thể: “Tiền của người ta (BQT, đại diện cư dân tòa nhà) thì không có quyền giữ (chỉ chủ đầu tư). Đến lúc người ta có quyền đề nghị tới Thành phố việc cưỡng chế thì có trả cũng rất dở. Con dấu đã xong, quy chế thu chi cũng xong, chẳng có lý do gì không trả (2% phí bảo trì – PV) cho người ta…”

Về phía mình, đại diện chủ đầu tư C’Land (tham gia cuộc họp có mặt Giám đốc Đỗ Đặng Dũng) “nại” ra luận điểm sau: “Giả như phát sinh kinh phí bảo trì về PCCC, hai bên thống nhất với nhau ai sẽ vào bảo trì, thời điểm nào… Nhưng trong quá trình làm, chủ đầu tư …sợ phối hợp với BQT không được kịp thời. Trong thời gian này, nếu xảy ra sự cố thì ai chịu trách nhiệm?”

Như vậy, sau hai tháng kể từ lúc có chỉ đạo của quận Nam Từ Liêm, C’Land vẫn bình chân như vại trước yêu cầu cũng như thiện chí đóng vai trò “trọng tài” của chính quyền sở tại, bất chấp trách nhiệm bàn giao hồ sơ, kinh phí bảo trì đã được nêu rõ ràng trong pháp luật cũng như trong từng bản hợp đồng mua bán căn hộ với các chủ sở hữu tại CT3 Lê Đức Thọ.

Liên hệ từ mối quan hệ “mẹ-con” giữa C’Land và Handico, gần đây UBND Tp. Hà Nội đã ra “tối hậu thư” cho Handico tại một số dự án chung cư. Cụ thể, năm 2014, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Handico đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhà ở tái định cư trên lô đất ký hiệu A14 Nam Trung Yên, bảo đảm đúng tiến độ cam kết.

Đồng thời, Handico phải thực hiện ngay việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng các trang thiết bị thiết yếu như thang máy, máy phát điện, bơm nước, PCCC…

Thậm chí, cách đây ít ngày, dư luận đón nhận phản ánh từ báo giới về nhiều lô đất tại KĐT Cầu Giấy (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) do Handico quản lý đã “mọc” lên hàng trăm cửa hàng giải khát, gara ô tô… kinh doanh trái phép. Cũng chính những lô đất này từng “kín mặt báo” bởi sử dụng khai thác sai mục đích từ thời điểm 2015!?

Đông Hưng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.