23/05/2017 2:16 PM
Chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tờ trình nêu rõ, các quy định tại nghị quyết nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, VAMC đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ, Quốc hội, nhằm mục tiêu đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng, VAMC cũng như thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Về cơ bản, nội dung dự thảo nghị quyết gồm một số quy định chưa được quy định tại các luật hiện hành và một số quy định khác với quy định tại các luật hiện hành.
Điểm mới so với quy định hiện hành tại dự thảo nghị quyết liên quan đến bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, khoản nợ được mua bán của VAMC, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm...
Dự thảo nghị quyết quy định: chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, kể cả việc bán nợ xấu với giá thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ.
Về khoản nợ được mua bán của VAMC, tờ trình nêu rõ, hiện tại, VAMC chỉ được mua nợ xấu hạch toán trong bảng. Quy định này hạn chế đối tượng các khoản nợ xấu được mua bán theo giá thị trường. Do vậy, dự thảo nghị quyết cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.
Với dự thảo nghị quyết, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập và được thỏa thuận việc phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua, các chi phí xử lý.
Nội dung đáng chú ý khác là quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Cụ thể, quyền thu giữ chỉ được thực hiện trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận giữa các bên và khi có sự vi phạm cam kết của bên bảo đảm. Dự thảo nghị quyết cũng quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC với các điều kiện thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm chặt chẽ.
Nhằm tăng hiệu quả hoạt động xử lý tài sản bảo đảm qua tòa án, dự thảo nghị quyết quy định về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm.
Ngoài các nội dung trên, Chính phủ cũng trình một số quy định mới về mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên...
Theo dự thảo, bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất có quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.
Bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thế chấp khi nhận bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ đã mua.
Nghị quyết quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đủ các điều kiện được quy định ngay tại nghị quyết.
Như, dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật và không cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dự án không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện của bên nhận chuyển nhượng theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng - theo dự thảo nghị quyết.
Nguyễn Lê (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.