CafeLand - Trong Báo cáo tình hình Kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019 trình bày trước Quốc hội ngày 22-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong cả năm 2019.

Trong năm 2018, Chính phủ kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Kết quả cho thấy, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%.

Tín dụng 9 tháng đã tăng 10,41% (cùng kỳ tăng 12,21%), cả năm tăng dưới 17%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, chứng khoán.

Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỉ USD. Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế; Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm soát chất lượng tín dụng trong năm 2019

Chính phủ đã xây dựng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá và đề ra định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính phủ cũng đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại đầu tư công, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách; rà soát, xử lý những vướng mắc trong đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Chính phủ cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật các tổ chức tín dụng; đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 51 tổ chức tín dụng và tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện; tỷ lệ nợ xấu giảm còn khoảng 2% (theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là 2,09%).

Mục tiêu năm 2019

Trên cơ sở năm 2018, năm 2019 Chính phủ đặt một số mục tiêu về kinh tế. Cụ thể, GDP sẽ tăng 6,6 - 6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu tăng cường năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ.

Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng; điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tín hiệu của thị trường và yêu cầu quản lý; ổn định thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Chính phủ sẽ giữ vững kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN); tăng cường quản lý, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong chi NSNN; cắt giảm mạnh chi hội họp, đi công tác trong, ngoài nước; tạo chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công, đặt hàng dịch vụ công; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu thầu, áp dụng rộng rãi đấu thầu qua mạng, bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch.

Chính phủ sẽ tiếp tục cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; giảm bội chi NSNN; quản lý và sử dụng hiệu quả, bảo đảm an toàn nợ công; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài sản công.

  • Mục tiêu GDP năm 2019 tăng trưởng 6,6 - 6,8%

    Mục tiêu GDP năm 2019 tăng trưởng 6,6 - 6,8%

    CafeLand - Tại phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.