08/11/2023 10:39 AM
Chính phủ phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.

Từ 9h50 sáng 8/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Cập nhật về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng cho biết trong tháng 10, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Nỗ lực cao nhất đạt GDP trên 5% năm 2023

Cụ thể, lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt trên 43 tỷ USD, riêng gạo đạt trị giá gần 4 tỷ USD với 7,12 triệu tấn.10 tháng xuất siêu hơn 24,6 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 25,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ, xét về số tuyệt đối là trên 104.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận tình hình kinh tế xã hội còn những hạn chế, sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn. Thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao; thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo, trong đó tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng.

Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài…

Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh.

“Chúng ta phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024”, Thủ tướng nói,

Chính phủ tập trung giải pháp thúc đẩy ba động lực tăng trưởng chính về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường rà soát, xử lý vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu...

Rà soát đơn giản hóa điều kiện quy định kinh doanh, quy trình thủ tục thẩm định phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng,…

Yêu cầu người đứng đầu các địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật,…

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ được đẩy mạnh để nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu,…

“Hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung sẽ được hoàn thiện, và xử lý nghiêm các trường hợp né tránh đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả”, ông nói.

Làm việc “3 ca, 4 kíp” để hoàn thành dự án giao thông trọng điểm

Về các dự án giao thông quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua đã triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (36 dự án với 83 dự án thành phần).

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động “vượt nắng, thắng mưa", “xua tan dịch bệnh”, làm việc “3 ca, 4 kíp”, xuyên lễ, xuyên Tết, nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, qua đó tập trung chỉ đạo sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Tháo gỡ những vấn đề bất cập, vướng mắc kéo dài để khởi công, triển khai các dự án giao thông trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Điện Biên, Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án đường bộ cao tốc khác.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng chưa đồng đều; việc triển khai vướng mắc pháp lý, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cung ứng nguyên vật liệu; một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là về trình tự thủ tục đầu tư, thủ tục vốn ODA; xử lý khó khăn về đường gom, đường tránh, nút giao cho người dân. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu.

Thủ tướng cho biết Chính phủ phấn đấu ban hành quy chuẩn đường cao tốc trong quý 1/2024. Rà soát, tính toán, huy động nguồn lực để mở rộng 5 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe và 7 tuyến chưa có làn dừng khẩn cấp.

“Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng”, ông nói.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.