22/10/2011 12:35 AM
Chất lượng dự báo quỹ đất chưa sát, lập quy hoạch không đảm bảo tính liên kết vùng, thiếu cân nhắc đến lợi ích chung, chưa tiết kiệm đất, công khai quy hoạch còn mang tính hình thức... là những gì được Chính phủ nêu ra trong báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2000 – 2010.
Chính phủ: Đất lúa mất không dễ lấy lại

Không ít địa phương vẫn lấy đất chuyên trồng lúa nước có năng suất cao để phát triển công nghiệp, đô thị trong khi có thể bố trí trên các loại đất khác.

Tại phiên họp toàn thể chiều 20/10 của kỳ họp Quốc hội thứ hai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trình bày báo cáo này.

Nhiều chỉ tiêu không “về đích”

Theo đánh giá của Chính phủ, trong 10 năm qua (2000 - 2010), công tác quản lý đất đai theo quy hoạch đã có những chuyển biến đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội cũng như bảo đảm an ninh lương thực, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua, công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng bộc lộ nhiều bất cập, trong đó nổi lên là nhiều chỉ tiêu được Quốc hội giao đã không “về đích” theo đúng lộ trình, thời hạn cũng như sự chênh lệch quá lớn trong việc thực hiện chỉ tiêu của các địa phương.

Đơn cử như việc thực hiện mục tiêu giảm diện tích lúa nước. Trong khi Quốc hội cho phép giảm 407 nghìn ha trong 10 năm, kết quả thực hiện đạt 207 nghìn ha. Thế nhưng, một số địa phương lại có biểu hiện giảm khá nhanh như Hải Dương giảm 1,4 nghìn ha/năm, Vĩnh Phúc giảm 1,2 nghìn ha/năm, Hưng Yên giảm 1.000 ha/năm.

Ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nơi được mệnh danh là vựa lúa của cả nước còn có tốc độ giảm nhanh hơn như: Tp.HCM 2,7 nghìn ha/năm, Tây Ninh 3,1 nghìn ha/năm, Cà Mau 6,2 nghìn ha/năm, Bạc Liêu 5,4 nghìn ha/năm, Sóc Trăng 4,1 nghìn ha/năm...

Không những thế, một số chỉ tiêu Quốc hội giao đối với đất ở đô thị, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm... không đạt chỉ tiêu, thậm chí còn đi ngược với những gì đề ra.

Cụ thể, đối với đất ở đô thị, nếu như năm 2000 chỉ có 72 nghìn ha, Quốc hội duyệt đến năm 2010 là 111 nghìn ha, nhưng thực tế đã có đến 134 nghìn ha (vượt 20,7% chỉ tiêu). Đất chuyên dùng cũng tăng hơn 752 nghìn ha, vượt 7,11% chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đáng chú ý, đất quốc phòng, an ninh, trong khi Quốc hội duyệt chỉ là 281 nghìn ha, nhưng thực tế đến năm 2010 đã có đến 338 nghìn ha, trong đó chủ yếu là đất quốc phòng. Riêng đối với đất trồng cây lâu năm, trong khi Quốc hội duyệt là giảm khoảng gần 200 nghìn ha, từ 2.810 nghìn ha xuống còn 2.657 nghìn ha, nhưng thực tế đến năm 2010, diện tích đất này không những không giảm mà còn tăng lên, đạt 3.689 nghìn ha.

Đánh giá về kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất 10 năm qua, báo cáo thẩm tra từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, công tác thực hiện quy hoạch sử dụng đất trong thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó nổi lên là việc một số địa phương vẫn lấy đất chuyên trồng lúa nước có năng suất cao để phát triển công nghiệp, đô thị trong khi có thể bố trí trên các loại đất khác.

Trong khi đó, đất khu công nghiệp dù đạt 100%, song đầu tư còn dàn trải, một số khu công nghiệp triển khai quá chậm, nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính phải dừng lại chờ nhà đầu tư mới…

Đánh giá của Ủy ban Kinh tế khẳng định, tính bình quân tỷ lệ lấp đầy thấp, chỉ đạt 45,63%, trong khi đó đất cơ sở sản xuất kinh doanh vượt cao, đạt tới 211,36%.

Cũng theo thẩm tra của Ủy ban, hầu hết khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu đầu tư kéo dài, thiếu đồng bộ về hạ tầng, tỷ lệ sử dụng đất đạt thấp. Việc sử dụng đất xây dựng sân bay, cảng biển, sân golf thời gian qua cũng là những vấn đề cần được quan tâm, xem xét

Cẩn trọng với đất lúa

Trên cơ sở kết quả thực hiện quy hoạch 10 năm qua, Chính phủ kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất trong 5 năm (2011 - 2015) và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đặc biệt lưu ý đến câu chuyện giữ diện đất lúa và điều chỉnh diện tích đất khu công nghiệp.

Theo nhìn nhận của Chính phủ, Việt Nam là quốc gia có truyền thống lúa nước trong khu vực và trên thế giới. Đất trồng lúa của nước ta lại được hình thành trải qua hàng nghìn năm với công sức của bao thế hệ.

Trong khi đó, khả năng khai thác, mở rộng diện tích đất lúa để bù đắp vào diện tích đất lúa đã mất đi là rất hạn chế và rất khó khăn. Dự báo đến năm 2020, dân số nước ta vào khoảng 100 triệu người, và theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tổng sản lượng lương thực cần khoảng 47 triệu tấn, diện tích gieo trồng cần tối thiểu 7,3 triệu ha, với hệ số sử dụng đất 1,9 - 2 lần.

Bên cạnh đó, chúng ta lại là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Và theo dự báo, đến năm 2020, sẽ có khoảng 6 nghìn ha đất lúa bị ảnh hưởng, và đến năm 2030 sẽ có khoảng 20 ha, đến cuối thế kỷ thì sẽ có khoảng 70% diện tích đất lúa của chúng ta bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng.

Với dự báo như trên, Chính phủ nhìn nhận việc đề xuất chuyển 500 nghìn ha diện tích đất lúa (xuống còn 3,6 triệu ha) sang đất phi nông nghiệp của các địa phương là không hợp lý. Sau khi tính toán cân nhắc, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giữ nguyên 3,81 triệu ha đất lúa trong kế hoạch 5 năm (2011 - 2015).

Theo Chính phủ, sau năm 2015, căn cứ vào thực tế của từng địa phương trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh lại chỉ tiêu này khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020.

Những nội dung liên quan đến kế hoạch sử dụng đất trong 5 năm (2011 -2015) và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tại tổ vào ngày 1/11 và thảo luận tại hội trường vào ngày 8/11 tới.
Theo Bảo Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.