Ngày 16-6, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hoàn tất thủ tục để tìm nhà thầu mới cho gói thầu số 9, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, do nhà thầu trước đây có nhiều sai phạm và đã bị chấm dứt hợp đồng.
Chung tiền mới thi công
Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Lắk được chia thành 10 gói thầu. Liên danh Tổng Công ty CP Sông Hồng - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn trúng gói thầu số 9 (km1729+491 - km1733+461) với giá trị hơn 110 tỉ đồng. Trong đó, Tổng Công ty CP Sông Hồng đảm nhận phần khối lượng khoảng 82 tỉ đồng.
Sau khi nhận dự án, Tổng Công ty CP Sông Hồng giao quyền trực tiếp thi công cho công ty con là Công ty CP Sông Hồng 36 khi chưa được Bộ GTVT đồng ý. Ngay sau đó, Công ty CP Sông Hồng 36 ký hợp tác, liên danh nhưng thực chất là bán thầu cho một số nhà thầu, như: Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô (Đắk Lắk), Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng - Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Công ty Tân Việt Bắc, Hà Nội). Từ đó, gói thầu này được nghiệm thu và thanh toán cho Tổng Công ty CP Sông Hồng, sau đó chuyển tiếp về cho Công ty CP Sông Hồng 36, các đơn vị thi công thì không được thanh toán theo thỏa thuận.
Đơn tố cáo do ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc, gửi các cơ quan chức năng cho biết thông qua môi giới, họ biết Công ty CP Sông Hồng 36 trúng 2 gói thầu ở Đắk Lắk và Khánh Hòa và nếu muốn được thi công thì phải chi tiền. Do vậy, cuối năm 2013, Tân Việt Bắc chuyển 1 tỉ đồng cho Công ty CP Sông Hồng 36 và được ký hợp đồng hợp tác toàn diện nhưng sau đó mới biết phần lớn các gói thầu đã bị Công ty CP Sông Hồng 36 giao cho đơn vị khác. Sau nhiều lần thúc ép, lãnh đạo Công ty CP Sông Hồng 36 yêu cầu chuyển tiếp 700 triệu đồng mới được giao dự án nên cuối tháng 12-2013, Tân Việt Bắc chuyển tiếp 700 triệu đồng. Về việc này, Công ty CP Sông Hồng 36 đã có văn bản xác nhận chỉ nhận của Tân Việt Bắc 1,5 tỉ đồng.
Theo ông Bắc, sau khi chuyển tiền, Tân Việt Bắc đề nghị Công ty Sông Hồng 36 giao tuyến để thi công thì lãnh đạo Công ty CP Sông Hồng 36 lẩn tránh và Tân Việt Bắc phát hiện gói thầu này đang được Công ty Sông Hồng Vinh (trực thuộc Tổng Công ty Sông Hồng) thi công. Trong khi đó, gói thầu xây lắp dự án Quốc lộ 1 (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa) có liên danh 3 nhà thầu thi công và giá trị thực chỉ còn khoảng 70 tỉ đồng chứ không phải 200 tỉ đồng như hợp đồng đã ký trước đó.
Ông Bắc cũng cho biết sau hơn 6 tháng thi công gói thầu số 9, công ty này đầu tư hơn 7 tỉ đồng nhưng Công ty CP Sông Hồng 36 đã dùng khối lượng thi công này để nhận tiền và không thanh toán cho Tân Việt Bắc.
Đồng loạt dừng thi công
Trong khi những lùm xùm quanh gói thầu số 9 đang được cơ quan chức năng giải quyết thì cạnh đó, gói thầu theo hình thức BOT (do liên danh Công ty Kinh doanh Xuất nhập khẩu Quang Đức, Công ty CP Đông Hưng Gia Lai và Công ty CP Sê San 4A làm nhà đầu tư) cũng xảy tranh chấp khiến các nhà thầu đồng loạt dừng thi công. Gói thầu này dài hơn 25 km, bắt đầu khởi công từ tháng 6-2013 nhưng hiện mới thi công đạt khoảng 40/473,7 tỉ đồng (tương ứng 8,4% giá trị hợp đồng), quá chậm so với tiến độ đặt ra.
Ông Trương Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH XD-TM Gia Huy, cho biết công ty này thi công 2 gói thầu với tổng mức đầu tư 160 tỉ đồng. Từ đầu tháng 6-2014 đến nay, phần lớn các nhà thầu đồng loạt dừng thi công do chủ đầu tư không minh bạch về tài chính; thanh toán không đúng thời gian thỏa thuận; tạm giữ tiền của nhà thầu không hợp lý... “Thi công được 6 tỉ đồng nhưng chỉ được chủ quyết toán hơn 1 tỉ đồng, không còn tiền để triển khai nên dừng thi công” - ông Thảo nói.
Ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô (thi công gói thầu số 9), cũng cho biết bỏ tiền ứng vốn khoảng 6 tỉ đồng nhưng hiện vẫn chưa được thanh toán.