Sau hai năm gửi xe tại các bãi tự phát ở gần chung cư tại Hà Đông, chị Phương Linh mới có thể gửi ôtô trong hầm tòa nhà, nhờ mua lại slot với giá 20 triệu đồng. Theo chị, đây là slot của một gia đình cùng tầng, nhưng vừa chuyển đi nơi khác sau khi để căn hộ hiện tại cho sinh viên thuê. Chị cho rằng mất tiền nhưng mình vẫn may mắn, bởi nếu đúng quy định của tòa nhà thì phải chờ đăng ký. Tuy nhiên, hơn 30 hồ sơ đăng ký của các căn hộ khác cũng đang xếp hàng nhưng chưa biết khi nào mới tới lượt.
Tháng trước, gia đình anh Mạnh Dũng, tại quận Nam Từ Liêm quyết định mua một chiếc SUV trong bối cảnh các hãng xe trong nước đua giảm giá kích cầu. Gần ngày nhận xe, anh Dũng mới tá hỏa khi biết khu chung cư đang ở không còn slot đỗ ôtô dưới hầm. Tại đây, gần trăm căn hộ khác cũng có nhu cầu và phải chờ xếp hàng theo thứ tự đến khi hầm có slot trống.
Sau khi vận dụng nhiều mối quan hệ, anh Dũng được giới thiệu một đầu mối tại ban quản lý tòa nhà để "được ưu tiên" sắp xếp cho một slot đỗ ôtô với giá 40 triệu đồng - gần bằng số tiền anh được giảm 50% lệ phí trước bạ. "Tôi chấp nhận chi tiền ngay để được đỗ xe trong hầm, để đỡ vất vả những ngày mưa gió. Người trong ban quản lý cũng nói nếu sau này tôi chuyển nhà hoặc không sử dụng xe cũng có thể bán lại cho họ với giá chỉ thấp hơn một chút", anh Dũng nói.
Tầng hầm một khu chung cư tại quận Tây Hồ cũng đã hết slot. Ảnh: Anh Tú
Với tình trạng quá tải chỗ đỗ xe, nhiều chủ đầu tư đã có chính sách cho thuê hoặc bán đứt slot cho cư dân. Khoảng chục năm trở về trước, tại Hà Nội, việc cho bán slot đỗ xe với giá hàng trăm triệu đồng phần lớn chỉ có tại các khu chung cư cao cấp trong nội đô, nhưng gần đây đã bắt đầu xuất hiện cả ở những khu nhà ở trung cấp, ở những quận ngoài Vành đai 3.
Hồi đầu năm, chủ đầu tư một khu căn hộ trung cấp, trên 40 tầng tại Hà Đông đưa ra phương án bán và cho thuê 100 chỗ đỗ xe với mức thuê từ 14 triệu đến 66 triệu đồng mỗi slot tương ứng với thời hạn 1 đến 5 năm. Giá thuê dài hạn trong 20 năm lên đến 220 triệu đồng. Đồng thời, chủ đầu tư này cũng định bán đứt slot cho xe sedan với giá 400 triệu đồng, còn xe 7 chỗ là gần 500 triệu đồng.
Tại đây, các khách hàng chưa được tìm tiếng nói chung với chủ đầu tư về việc thuê, mua chỗ đỗ xe đành phải tự tìm giải pháp. Anh Tuấn, một cư dân ở đây cho biết hàng ngày phải mang chiếc xe của vợ đi gửi tại một bãi xe cách đó hơn một cây số với giá 1,2 triệu đồng mỗi tháng dù không có mái che.
Tương tự, tháng 7, một chung cư cao hơn 30 tầng tại Kim Giang, quận Thanh Xuân cũng thông báo sẽ duyệt nhu cầu thuê chỗ đỗ xe của cư dân. Theo đó, mức giá thuê được áp dụng 60 triệu đồng cho 5 năm, 200 triệu đồng cho 40 năm và 320 triệu đồng cho 40 năm. Như vậy, giá thuê slot đỗ xe 40 năm có thể tương đương một phần mười tổng giá trị của một căn hộ diện tích khoảng 70 m2 tại đây. Tuy nhiên, chính sách này đã bị phần lớn cư dân phản đối khi yêu cầu họ phải đóng hết tiền thuê trong thời gian ngắn.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Huy, giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cũng đánh giá tình trạng thiếu chỗ đỗ ôtô không chỉ còn ở các dự án trong trung tâm thành phố, mà ngày càng lan rộng hơn. Khu chung cư ông đang sinh sống tại quận Tây Hồ trước đây cũng từng gây tranh cãi khi bán slot đỗ xe lên đến cả tỷ đồng, nhưng hiện nay muốn mua cũng không có người bán.
Các quy định về diện tích đỗ xe tại các dự án cũng không phù hợp với thực tế hiện nay. Theo công văn 1245 của Bộ Xây dựng ban hành tháng 6/2013, nhà ở thương mại phải đáp ứng chỉ tiêu cứ diện tích sử dụng 100 m2 phải bố trí tối thiểu 20 m2 chỗ đỗ xe. Ông Huy cho rằng con số này thiếu căn cứ vì chưa có công trình khoa học hay nghiên cứu nào.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, các nhà phát triển dự án đã xây dựng từ khoảng 10 năm về trước không lường trước được tốc độ di dân cơ học 1,4% mỗi năm tại thủ đô, cũng như tăng trưởng lượng phương phương tiện. "Hiện nay, chỗ để ôtô là tiêu chí quan trọng hàng đầu của người mua nhà", ông Nghiêm nói.
Đồng thời, theo ông, tình trạng quá tải chỗ đỗ xe một phần do việc phát triển bãi đỗ xe công cộng xung quanh nhiều dự án cũng không được giám sát, quản lý chặt chẽ. Theo quy định, các đô thị trung tâm của tỉnh, thành phố phải có ít nhất 3% diện tích đất dành cho bãi đỗ xe. Tuy nhiên, thực tế, các điểm ở Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu.
Chuyên gia này cho rằng để giải quyết tình trạng quá tải nhà xe chung cư, cũng như các khu đô thị, thành phố cần phát triển các điểm đỗ cao tầng, bãi ngầm, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Cơ quan quản lý cũng cần có nghiên cứu để đưa ra tiêu chí bãi đỗ xe mới phù hợp với thực tế tại các công trình nhà ở thương mại.
Theo số liệu của Sở Giao Thông Vận tải Hà Nội công bố đầu năm nay, thành phố có trên 1 triệu ôtô. Như vậy, với dân số trên 8 triệu người, trung bình cứ 8 người ở Hà Nội, lại có một người sở hữu một chiếc ôtô. Hiện nay, việc có slot gửi ôtô trở thành một tiêu chí được nhiều dự án ưu tiên quảng cáo khi mở bán căn hộ.
-
Có 1,5 tỉ đồng, mua được chung cư nào quanh Làng đại học lớn nhất TP.HCM?
Đại học quốc gia TP.HCM tại TP. Thủ Đức (hay còn được gọi là Làng đại học Thủ Đức) được quy hoạch trên diện tích hơn 643ha, là nơi đào tạo hàng chục ngàn sinh viên. Quanh Làng đại học này hiện có hàng loạt dự án chung cư đã và được xây dựng.
-
Tỷ phú Trần Đình Long “bắt tay” tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại dự án trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Hà Nội do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2025.
-
Hà Nội: 8 trường hợp công trình vi phạm sẽ bị cắt điện, nước từ 1/1/2025
Từ ngày 1/1/2025, thành phố Hà Nội sẽ triển khai biện pháp cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, theo quy định tại Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND.
-
Tương lai 17 vùng huyện của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, 2050 sẽ "lột xác" như thế nào?
Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, Hà Nội quy hoạch 17 vùng huyện từ khu vực phía Bắc như Đông Anh, Mê Linh đến phía Tây như Hoài Đức, Quốc Oai, và phía Nam như Mỹ Đức, Thanh Trì....