23/04/2025 10:43 AM
Trong 6 tháng đầu niên độ tài chính 2024-2025, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 18.674 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế giảm 12%, đạt 371 tỉ đồng, tương đương hơn 2 tỉ đồng/ngày.

Ngành tôn thép “giỏi lắm là đi ngang”

Trong khi nhiều doanh nghiệp trong ngành thép phải vật lộn với tình trạng dư cung và giá nguyên liệu biến động, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 niên độ tài chính 2024-2025 vừa công bố, Hoa Sen ghi nhận doanh thu 8.452 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 205 tỉ đồng, giảm 35,7%.

Theo ban lãnh đạo Hoa Sen, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này bao gồm:

Biên lợi nhuận gộp thu hẹp, khiến lợi nhuận gộp giảm 41 tỉ đồng, tương ứng mức giảm 4% so với cùng kỳ.

Chi phí tài chính tăng mạnh, tăng thêm 26 tỉ đồng (tăng 60%). Trong đó, chi phí lãi vay tăng 17 tỉ đồng (tăng 57%) và chi phí chênh lệch tỷ giá tăng 9,2 tỉ đồng (tăng 67%).

Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, thêm 57 tỉ đồng, tương ứng tăng 50% so với quý 2 cùng kỳ.

Những yếu tố này phản ánh áp lực chi phí gia tăng trong bối cảnh biên lợi nhuận bị thu hẹp, cho thấy thách thức trong việc duy trì hiệu quả tài chính khi thị trường biến động.

Chỉ bán tôn thép, có doanh nghiệp vẫn “bỏ túi” hơn 2 tỉ đồng mỗi ngày- Ảnh 1.6 tháng đầu niên độ 2024-2025, Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 371 tỉ đồng, giảm 12%

Lũy kế 6 tháng đầu niên độ tài chính 2024-2025, nhà sản xuất tôn mạ này ghi nhận doanh thu đạt 18.674 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 371 tỉ đồng, giảm 12% (tương đương 52 tỉ đồng) do áp lực chi phí gia tăng.

Cụ thể, chi phí tài chính tăng thêm 51 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 56%. Trong đó, chi phí lãi vay tăng mạnh 40 tỉ đồng, tăng tới 75% so với cùng kỳ; chi phí chênh lệch tỷ giá cũng tăng thêm 11 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 28%.

Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng 52 tỉ đồng, tương ứng 3% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 95 tỉ đồng, tăng tới 44% so với cùng kỳ.

Dù doanh thu vẫn duy trì mức tăng nhẹ, sự gia tăng đồng loạt của các khoản chi phí đã thu hẹp đáng kể biên lợi nhuận của Hoa Sen. Sản lượng tiêu thụ hợp nhất trong 6 tháng đạt 946.648 tấn. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này thu về hơn 2 tỉ đồng lợi nhuận từ việc bán tôn, thép.

Tại ĐHĐCĐ niên độ 2024-2025, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Lê Phước Vũ chia sẻ tình hình xuất khẩu hiện tại gặp nhiều khó khăn do chủ nghĩa bảo hộ.

Ông Vũ đánh giá năm 2025 vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động xuất khẩu tôn - thép theo đó sẽ đối mặt với nhiều thách thức, khó đảm bảo ổn định thị phần. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cộng với bất ổn địa chính trị sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu.

Trước đây, Hoa Sen xuất khẩu khoảng 15.000-20.000 tấn mỗi tháng sang Mỹ, còn bây giờ không thể đạt mức này. Tương tự cho thị trường châu Âu cũng rất khó khăn, sản lượng xuất khẩu trước đây 20.000-30.000 tấn/tháng, bây giờ chỉ còn 15.000-20.000 tấn/tháng.

“Trong xu thế này, xuất khẩu là vấn đề khó với hầu hết doanh nghiệp trong trung hạn. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng và với điều kiện khách quan như thế, chúng ta phải thích nghi, điều chỉnh chiến lược. Tôn thép giỏi lắm chỉ đi ngang, còn xu thế chung là đi xuống”, ông Vũ cho biết.

Được biết, niên độ tài chính 2024-2025, Hoa Sen đưa ra kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản.

- Ở kịch bản thứ nhất, sản lượng mục tiêu 1,8 triệu tấn; doanh thu thuần 35.000 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất 400 tỷ đồng.

- Ở kịch bản thứ hai, sản lượng mục tiêu 1,95 triệu tấn; doanh thu thuần 38.000 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng.

Trở lại “đường đua” bất động sản

Cũng trong phiên họp ĐHĐCĐ vừa qua, Chủ tịch Hoa Sen cũng đã có những chia sẻ đáng chú ý về định hướng mới của tập đoàn với việc quay lại với lĩnh vực bất động sản.

Hoa Sen hiện đang mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thông qua Công ty CP Hoa Sen Yên Bái. Trong năm 2024, công ty này đã được tăng vốn lên 621 tỷ đồng nhằm tái khởi động dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái - một dự án đã được khởi động từ năm 2016.

Giai đoạn năm tài chính 2023-2024, doanh nghiệp này cho biết cũng xúc tiến đầu tư nhiều dự án tiềm năng tại tỉnh Đồng Nai nhằm đón đầu làn sóng phát triển khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

“Hoa Sen phải làm đô thị 600-700ha chứ không làm nhỏ”, Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ khẳng định, đồng thời cho rằng sân bay quốc tế Long Thành sẽ là trung tâm của các tuyến đường, các khu đô thị lớn, đây được xem là vị trí tuyệt vời.

Lãnh đạo Hoa Sen cũng hé lộ rằng đang triển khai làm dự án Bất động sản tại đây nhưng chưa xong nên chưa nói cụ thể.

Ông Vũ chỉ tiết lộ: “Chúng tôi có nguồn lực, tiền, lợi thế vật liệu giá rẻ. Chúng ta phải làm một khu đô thị 600-700ha. Lấy nguồn lực bên này dồn qua bên kia”.

Cuối năm 2023, Hoa Sen đã thông qua chủ trương HĐQT về việc góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Công ty này được thành lập với mục đích sẽ tìm kiếm Bất động sản trị giá 1.000 - 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Hoa Sen, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.

Vay nợ ngân hàng hơn 3.500 tỉ đồng

Tại thời điểm ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Hoa Sen đạt 17.547 tỉ đồng, giảm khoảng 2.000 tỉ đồng với thời điểm đầu niên độ. Trong đó, chiếm tỉ trọng lớn nhất là hàng tồn kho với 8.000 tỉ đồng, giảm 17% so với đầu niên độ tài chính 2024-2025.

Tương tự, tài sản cố định trong giai đoạn này ghi nhận 4.000 tỉ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn là 3.000 tỉ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền 391 tỉ đồng…

Chỉ bán tôn thép, có doanh nghiệp vẫn “bỏ túi” hơn 2 tỉ đồng mỗi ngày- Ảnh 2.

Hoa Sen vay nợ ngân hàng hơn 3.500 tỉ đồng. Nguồn: BCTC HSG

Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hoa Sen giảm mạnh so với thời điểm đầu niên độ, ở mức 6.236 tỉ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 3.500 tỉ đồng với toàn bộ là nợ vay ngắn hạn.

Hiện tại, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ đang vay nợ tại một loạt ngân hàng, trong đó có những cái tên lớn như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, HSBC…

Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh KCN Bình Dương đang là chủ nợ lớn nhất của Hoa Sen với giá trị cho vay ngắn hạn là 1.483 tỉ đồng, giảm 790 tỉ đồng so với thời điểm đầu niên độ. Khoản nợ tại VietinBank Bình Dương chiếm hơn 41% tổng nợ vay ngân hàng tại doanh nghiệp sản xuất tôn mạ này.

Đứng thứ hai là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Bình Dương với giá trị hơn 1.070 tỉ đồng, giảm khoảng 1.600 tỉ đồng so với đầu niên độ.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn vay nợ tại các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh sở giao dịch 2 (471 tỉ đồng); Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam (298 tỉ đồng); Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank - Chi nhánh TP.HCM (126 tỉ đồng).

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch 23/4, cổ phiếu HSG đang ở mức 12.750 đồng/cp.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.