25/07/2011 3:18 AM
Khi thị trường bất động sản vẫn trong thời kỳ “vàng son”, các nhà đầu tư, khách hàng phải xếp hàng để bốc thăm mua căn hộ. Nhưng khi thị trường lao dốc, người ta lại chạy đua bán tháo căn hộ bằng giá gốc, thậm chí lỗ vốn, nhưng vẫn không ai mua.
Trong khi các nhà đầu tư chuyên nghiệp “hạ cánh” an toàn, thì những nhà đầu tư “lướt sóng” theo phong trào bị “mắc kẹt” tại những căn hộ hàng tỷ đồng.

Chạy đua bán tháo

Thời gian gần đây đang xuất hiện làn sóng các nhà đầu tư chạy đua bán tháo căn hộ, đặc biệt là căn hộ cao cấp, với mong muốn thu hồi vốn và cắt lỗ. Song điều oái oăm đang diễn ra trên thị trường bất động sản hiện nay là giá càng giảm thì người mua lại càng… dửng dưng. Đầu năm 2008, khi thị trường vẫn còn “nóng”, nhiều nhà đầu tư ôm tiền đi mua căn hộ tại cao ốc Sapphire 1 của dự án Saigon Pearl (quận Bình Thạnh, TP HCM), với giá lên đến 3.200 USD một m2. Nếu quy ra tỷ giá lúc đó khoảng 16.000 đồng một USD, thì trị giá mỗi m2 tại đây đến hơn 51 triệu đồng.

Chết vì… 'đua đòi' lướt sóng BĐS

Nhiều nhà đầu tư đang rao bán lỗ căn hộ tại dự án Saigon Pearl, nhưng vẫn không ai mua. Ảnh: Nguyễn Sơn.


Anh Thanh (ngụ quận 3, TP HCM), một nhà đầu tư mua căn hộ 3 phòng ngủ ở tầng 19 của chung cư này với diện tích hơn 133 m2, lên đến hơn 431.000 USD, tức khoảng hơn 6,8 tỷ đồng. Sau khi đặt bút ký hợp đồng, thị trường bất động sản đã “tuột dốc” không phanh đến tận hôm nay. Chính vì vậy, mặc dù ký hợp đồng mua căn hộ được hơn 3 năm, nhưng đến nay anh chỉ mới đóng được… 20% giá trị căn hộ và không còn khả năng đóng tiếp mặc dù chủ đầu tư liên tục phát công văn yêu cầu đóng tiền để nhận nhà.

Trước việc thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, cộng với lạm phát, chủ đầu tư đã “xuống nước” giảm giá bán xuống còn 2.600 USD một m2, nhưng hầu như ai cũng muốn thanh lý hợp đồng để “cắt lỗ”. Đa số khách hàng mua căn hộ tại dự án này đều là giới đầu tư không chuyên, nên khi thị trường trầm lắng đã không kịp rút chân và đến nay đã lâm vào cảnh “chết chìm”. “Tôi đang rao bán căn hộ với giá chỉ 2.100 USD, rẻ hơn 400 USD một m2 so với giá gốc, nhưng chỉ có một vài người hỏi xong rồi “lặn” mất vì họ chê đắt”, chị Hà, một nhà đầu tư, than vãn.

Theo tính toán của những người mua căn hộ Sapphire 1, hiện mỗi m2 tại đây họ lỗ khoảng 400 USD. Như vậy, với một căn hộ rộng 100 m2 thì lỗ… 40.000 USD. Còn những người tiếp tục “ôm” căn hộ tại dự án này đang “ốm đòn” bởi lãi suất ngân hàng quá cao, trong khi đó tỷ giá cũng đã hơn 20.000 đồng một USD. “Nếu tính thêm về trượt giá thì chúng tôi đã lỗ rất nặng. Trong khi đó, chủ đầu tư yêu cầu người mua thanh toán hợp đồng bằng USD, chứ khứ không phải bằng VND”, anh Thanh cho biết. Do lỗ nhiều quá nên nhiều nhà đầu tư quay lại “tố” chủ đầu tư về việc bán căn hộ bằng giá USD là vi phạm quy định của Nhà nước.

Chủ đầu tư cũng… te tua

Bi kịch không chỉ rơi vào các nhà đầu tư, mà ngay cả chủ đầu tư lỡ chạy theo phân khúc căn hộ cao cấp cũng lâm vào cảnh “sống dở, chết dở” khi nhà xây rồi bán không được. Điển hình như tại dự án The EveRich II (Q.7) do Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt đầu tư, mặc dù dự án đã tung ra chào bán năm 2010, nhưng tổng giá trị hàng tồn kho lên đến hơn 1.900 tỷ đồng và trong 3 tháng đầu năm 2011, công ty này chưa có doanh thu từ việc bán dự án này.

Để bán được hàng, Phát Đạt đưa ra chương trình “Tích lũy cho cuộc sống sung túc”. Theo đó, khi mua căn hộ The EverRich II (có giá từ 34 - 37 triệu đồng/m2), khách hàng sẽ được thanh toán thành 48 đợt trong 4 năm, mỗi tháng đóng khoảng 40 triệu đồng. Trong khi đó, dự án này có 3.125 căn hộ với diện tích từ 107 - 155m2 và các căn Penthouse đến 256m2.

Hay dự án Sunrise City (quận 7), chủ đầu tư cho khách hàng ở thử trước khi mua. Ngoài việc ở thử không mất tiền, nếu không mua nhà, khách hàng còn được công ty hoàn tiền đặt cọc cộng với lãi suất. Nhưng với giá bán lên đến 35 - 52 triệu đồng một m2, nên rất ít khách hàng quan tâm. Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai khá tiếng tăm trong làng bất động sản nhưng hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn khi một lượng lớn căn hộ trị giá đến hơn 3.000 tỷ đồng không bán được. Trong khi đó, hàng loạt dự án của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh như chung cư Nhất Lan, Tân Tạo, khu căn hộ An Lạc – Plaza… ít được khách hàng quan tâm bởi giá đắt và vị trí quá xa trung tâm thành phố.

Theo ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, mặc dù sử dụng rất nhiều “chiêu” để bán hàng, nhưng tính thanh khoản của căn hộ cao cấp khá chậm khi giới đầu tư không còn mặn mà. Các chuyên gia cho rằng, trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất tăng cao… không ai dại gì bỏ hàng trăm ngàn USD để mua căn hộ cao cấp.
Theo Đình Sơn (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.