24/03/2017 10:46 AM
Việc nhà đầu tư Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn vi phạm hợp đồng, nhưng lại đang đề xuất chuyển nhượng phần lớn cổ phần của doanh nghiệp dự án cho nhà đầu tư mới đang đặt ra e ngại liệu đây có phải là giải pháp sẽ giúp dự án BOT lớn này triển khai thuận lợi trong thời gian tới?
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đã lên phương án mua lại 18% cổ phần của Cienco 1 tại Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ với tổng giá trị lên đến 148 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Chuyển nhượng dự án cho Geleximco là không phù hợp
Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.294 tỷ đồng, vốn vay 10.894 tỷ đồng. Dự án được động thổ từ tháng 7/2015, chính thức khởi công tháng 10/2015 và dự kiến hoàn thành trước 31/12/2018.
6 thành viên trong Liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty CP Giao thông xây dựng số 1, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, Công ty CP Đầu tư – UDIC, Công ty CP Đầu tư 468, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành. Chỉ khoảng 1 tháng sau khi động thổ Dự án, SCIC rút khỏi Dự án, chuyển nhượng lại cho UDIC.
Không lâu sau, Phương Thành cũng xin rút bớt số cổ phần tại dự án này từ 25% xuống 5%. Đến thời điểm hợp đồng dự án được ký kết, ngày 25/11/2016, Phương Thành vẫn là 1 trong 5 thành viên liên danh, nhưng đến đăng ký thông tin mới nhất ngày 17/2/2017, nhà đầu tư này đã không còn là cổ đông của Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Hiện UDIC chiếm 33%, Mỹ Đà giữ 25%, 468 giữ 25% và Giao thông xây dựng số 1 giữ 12% cổ phần.
Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1.294 tỷ đồng, nhưng đến tháng 3/2017, liên danh nhà đầu tư mới chỉ huy động được 550 tỷ đồng và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản thông báo dự kiến chấm dứt hợp đồng Dự án. Theo Bộ GTVT, nhà đầu tư đã vi phạm Điều 14 Hợp đồng BOT ngày 25/11/2016 về huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay và Điều 57 Hợp đồng dự án về bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.
Trong khi số phận nhà đầu tư này chưa rõ sẽ ra sao, thì theo một số nguồn tin, ngày 9/3, liên danh nhà đầu tư này đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho phép bổ sung một nhà đầu tư là Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) tham gia Dự án với tỷ lệ góp vốn 70% để giải quyết những vướng mắc về vốn.
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần cho Geleximco liệu có phù hợp và có phải là lời giải cho bài toán tiến độ, chất lượng của siêu dự án BOT này?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc chuyển nhượng này cần phải xem xét lại. Nếu nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, thì phải bị phạt, chứ không thể cho phép chuyển nhượng cổ phần để thu lợi được. Như vậy, sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các dự án BOT khác. Hơn nữa, nếu không qua quy trình lựa chọn nhà đầu tư, làm sao có thể chắc chắn Geleximco đảm bảo đủ năng lực thực hiện Dự án.
Ông Ngô Trí Long khuyến nghị, trong trường hợp này, nếu xác định rõ nguyên nhân từ nhà đầu tư, phải chấm dứt hợp đồng, thu hồi dự án và tổ chức đấu thầu lại một cách công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư mới đáp ứng năng lực.
Cần những thay đổi gì để ràng buộc trách nhiệm
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư thuộc Bộ GTVT, từ thực tiễn quản lý các dự án BOT trong thời gian qua và đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có 6 nhà đầu tư tham gia liên danh, do dự án có thời gian hợp đồng rất dài nên trường hợp có quá nhiều thành viên trong liên danh dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý, khó thống nhất với nhau trong quá trình thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật không quy định số thành viên tối đa, nhưng để khắc phục tình trạng trên, Bộ GTVT kiến nghị liên danh nhà đầu tư BOT tối đa không quá 4 thành viên.
Về quyền chuyển nhượng, Bộ GTVT cho rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP thì “nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án cho bên cho vay hoặc nhà đầu tư khác”.
Tuy nhiên, để gắn trách nhiệm của nhà đầu tư với chất lượng công trình và tránh việc chuyển nhượng nhà đầu tư ngay sau khi đấu thầu, cần bổ sung quy định trong HSMT/HSYC là nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án (chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án) sau khi công trình đã hoàn thành được nghiệm thu đưa vào khai thác.
Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành chưa có chế tài xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư BOT nói riêng, PPP nói chung. Theo Bộ KH&ĐT, Bộ đang chủ trì rà soát, sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP, định hướng sửa đổi sẽ bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư khi không thực hiện đúng theo hợp đồng.
Một chuyên gia về PPP cho rằng, để hạn chế rủi ro khi nhà đầu tư BOT phải thực hiện đồng thời nhiều dự án dẫn đến khó huy động đủ vốn, khi lựa chọn nhà đầu tư, cần phải xem xét nhà đầu tư đó đang và sẽ có thể thực hiện đồng thời những dự án nào khác trong cùng thời gian triển khai dự án đang mời thầu.
Trong HSMT phải quy định rõ trường hợp tại cùng một thời điểm, nhà đầu tư tham gia nhiều dự án thì phải đảm bảo tổng số vốn chủ sở hữu đáp ứng đủ cho toàn bộ số vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết thực hiện cho tất cả các dự án theo quy định và phải chịu trách nhiệm nếu kê khai sai. Ngoài ra, tại thời điểm ký hợp đồng cần yêu cầu nhà đầu tư nộp lại các văn bản chứng minh năng lực tài chính.
Theo Bộ KH&ĐT, Bộ đang chủ trì rà soát, sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP, định hướng sửa đổi sẽ bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư khi không thực hiện đúng theo hợp đồng.
Nguyệt Minh (Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.