13/10/2015 4:31 PM
Chưa đầy 1 tháng sau sự cố "bà hỏa" viếng thăm tòa B CT5 KĐT Xa La (Hà Đông), dân cư Thủ đô tiếp tục giật mình khi "giặc lửa" hoành hành trở lại với cụm công trình nhà cùng địa bàn. Chưa ghi nhận thiệt hại về người, tổn hại vật chất cũng không quá lớn, nhưng điều chắc chắn là khách hàng phải suy nghĩ lại, khi chọn chung cư "giá rẻ như cho".
Nhìn lại sự vận hành, phục vụ cuộc sống người dân trong nhiều tòa nhà cùng phân khúc giá rẻ, không ít ý kiến cho rằng việc cộng đồng tập trung "ném đá" các dự án nhà ở của Xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên là không công bằng, khách quan. Bởi lẽ, cùng mức giá trị căn hộ và đẳng cấp cao hơn hẳn, có thể tìm được nhiều tổ hợp dân cư cao tầng cũng gặp "cảnh khổ" trong quá trình sinh sống.
Thủy, hỏa đủ cả
Đơn cử, là trường hợp tòa nhà JSC34 (Lê Văn Lương, Hà Nội) cao 18 tầng bất ngờ "khai hỏa" vì lý do liên quan tới hệ thống đổ rác của tòa nhà, hậu quả làm 2 người thiệt mạng.
Năm 2013, tầng hầm để xe tòa Licogi 13 (164 Khuất Duy Tiến) chứng kiến một chiếc ôtô bỗng nhiên bốc cháy (được xử lý nhanh chóng và không gây thiệt hại). Đáng nói, trước đó ít ngày, một xưởng mộc được chủ đầu tư cho thuê có diện tích 600m2 (ngay tại tầng 1) mới chỉ dừng hoạt động sau khi công luận và cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết…
Nếu dẫn lại những tổ hợp chung cư gặp sự cố cháy (trong quá trình vận hành) tại Thủ đô thì… cả ngày không hết. Nhưng, về phía các tổ hợp "giá siêu rẻ" của Xí nghiệp Điện Biên thì sự cố lặp lại một cách không chấp nhận nổi.
Bà hỏa liên tục viếng thăm các chung cư cao tầng
"Ngoài chuyện cháy nổ, vấn đề nước sinh hoạt ở hầu hết các chung cư này cũng tồi tệ không kém. Có lẽ, chỉ thiếu mỗi nạn mất cắp nữa là đủ "thủy, hỏa, đạo tặc", chị Hoa, vừa quyết định chọn phương án thuê tập thể cũ thay vì mua căn chung cư tầng cao ở HH Linh Đàm, nhìn nhận.
"Khó thanh thản" khi dọn vào ở chung cư do giám đốc Lê Thanh Thản xây, đó là lời "đúc kết" của nhiều người đã và đang an cư ở chung cư Đại Thanh (Hà Nội) 1 - 2 năm trở lại đây.
Năm 2014, cái nóng của mùa hè được tiếp thêm lửa bức xúc của hàng nghìn cư dân KĐT Đại Thanh, khi không có nước sinh hoạt trong suốt thời gian tháng 6.
Cảnh tượng người người, nhà nhà hò nhau dậy sớm từ 4 - 5h sáng để xuống nhà xe xách từng xô nước về dùng (nhưng cũng chỉ đủ dùng trong ngày, đến tối là hết) được lặp đi lặp lại như khẳng định cho chân lý: "Của rẻ của ôi!".
Trở lại với vụ hỏa hoạn "mới nhất" ở công trình chung cư do Xí nghiệp Điện Biên tạo dựng. Năm 2015, ít ngày sau vụ cháy chung cư HH4A Linh Đàm (16/9), tối 20/9, tòa B CT5 Xa La (cùng chủ đầu tư) lại ngùn ngụt khói lửa.
"Của rẻ" khó là "của tốt"
Tính tới nay, KĐT Xa La đã 3 lần xảy cháy (CT5 2 lần, CT4A- CT4B 1 lần). Nguyên nhân khá trùng hợp: đều liên quan tới sự cố điện hoặc tầng kỹ thuật điện.
Bên cạnh nỗ lực xử lý và cứu hộ của lực lượng PCCC, một sự thực về chất lượng an toàn của các chung cư cao tầng lẫn trách nhiệm của chủ đầu tư trong sự việc này đang được mổ xẻ.
Lý do ban đầu gây ra cháy tại tầng hầm 2 tòa CT4A, CT4B được cho là sự cố điện (chưa có kết quả điều tra chính thức từ cơ quan chức năng tại thời điểm trưa ngày 12/10).
Hậu quả thiệt hại về tài sản cũng được xác minh lại, khoảng 200 xe máy, 1 ô tô thay vì thông tin ban đầu 1.000 xe máy bị thiêu rụi. Nhưng rõ ràng, dù với bất cứ lý do gì, hầm để xe thuộc trách nhiệm của Ban quản lý (bên cạnh hoạt động khai thác kinh doanh).
"Xảy ra sự cố cháy trong hầm để xe tòa nhà, đương nhiên trách nhiệm liên đới thuộc về chủ đầu tư", Ls. Phạm Văn Trưởng - Giám đốc công ty Luật Thiền Quang và Cộng sự khẳng định.
Cũng theo Ls. Trưởng, ngay cả trong trường hợp hợp đồng mua bán căn hộ lẫn quy chế quản lý tòa nhà không "nhắc" tới trách nhiệm của chủ đầu tư trong trường hợp xảy ra sự cố hỏa hoạn như tại tầng hầm chung cư, chủ đầu tư vẫn phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân gây ra thiệt hại (cho tài sản khách hàng) thuộc về chủ đầu tư. "Nếu lỗi thuộc về chủ đầu tư, nhưng chủ đầu tư lấy lý do A, lý do B để chây ì không chịu bồi thường thì hoàn toàn có thể khởi kiện vụ việc ra tòa án dân sự", ông Trưởng tư vấn.
Sự việc vẫn đang chờ cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân, trách nhiệm liên quan. Nhưng, điều được nhiều người dự đoán, chính là thương hiệu Mường Thanh đóng dấu hàng loạt tổ hợp chung cư đã và đang đón khách hàng (ở Hoàng Mai chiếm tỷ lệ lớn) đang bị lung lay.
Sự sợ hãi của hàng chục nghìn cư dân ở HH - Linh Đàm sẽ còn kéo dài, chỉ bởi: mật độ dân số, xe cư dân trong hầm các tòa nhà còn vượt xa tổ hợp Xa La, Đại Thanh - nguy cơ cháy nổ càng lớn.
Theo góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Lê Thanh Thản nên chăng "mời" cơ quan PCCC, sở ngành xây dựng vào cuộc thanh, kiểm tra toàn bộ hạ tầng kỹ thuật các chung cư hiện hữu để tránh chuỗi đỗ gãy về thanh khoản lẫn duy trì thương hiệu.
Nguyễn Cảnh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.