Chỉ còn vọn vẹn 2 tháng nửa, 26 ngân hàng thương mại (NHTM) phải giảm tỷ trọng dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất trong tổng dư nợ thấp hơn hoặc bằng 22% trước ngày 30/6 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN. Phần lớn các ngân hàng có quy mô nhỏ có tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất cao trong năm qua. Những đơn vị này đang phải tăng tốc cơ cấu lại nợ vay cũng như thu hồi nợ cũ, nhằm đáp ứng chỉ thị trên.
Đến cuối năm nay, tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất phải giảm xuống còn 16%

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, chủ trương giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất, trong đó nhấn mạnh nhất là bất động sản và chứng khoán đã được NHNN xây dựng một kịch bản rõ ràng. Có ít nhất 24 ngân hàng sẽ phải tiến hành cơ cấu lại dư nợ khi đang có tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ 26% trở lên. Tuy nhiên, NHNN yêu cầu các ngân hàng này phải giảm tỷ trọng trên xuống còn tối đa 22% trước ngày 1/7/2011.

Mới đây, Thống đốc NHNN ban hành thêm văn bản số 2956/NHNN-CSTT yêu cầu các NHTM và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát hoạt động tín dụng năm 2011. Đối với dư nợ tín dụng lĩnh vực phi sản xuất, Thống đốc NHNN yêu cầu các NHTM thực hiệm giảm tốc độ tỷ trọng cho vay và gửi báo cáo về Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN chậm nhất vào ngày 12/7 tới. Danh mục lĩnh vực cho vay phi sản xuất được NHNN liệt kê gồm: cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán; cho vay để đầu tư, kinh doanh bất động sản; cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (cho vay tiêu dùng).

Trường hợp, các ngân hàng chưa thực hiện giảm được tỷ trọng yêu cầu trên theo lộ trình, NHNN sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng đó và áp dụng biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Tổng giám đốc OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, với giới hạn tăng trưởng dư nợ tín dụng 20% và thu hẹp dư nợ lĩnh vực phi sản xuất thì khó khăn sẽ không nhỏ cho các ngân hàng nhỏ và vừa, trong đó có OCB. Tuy nhiên, để thực hiện quy định của NHNN, cũng như các nhà băng khác, OCB phải từng bước cơ cấu lại tín dụng và đưa tỷ lệ khoản cho vay vào lĩnh vực phi sản xuất về dưới 22% trước ngày 30/6 dù tỷ lệ dư nợ phi sản xuất của OCB hiện chiếm khoảng 30% trong tổng dư nợ của Ngân hàng. OCB sẽ dừng hoàn toàn cho vay bất động sản, chứng khoán, còn với cho vay tiêu dùng, Ngân hàng sẽ thu hẹp dần.

Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng khác cho biết, gần 2 tháng nay, dư nợ tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất của Ngân hàng gần như không tăng. Một phần, do Ngân hàng phải thực hiện yêu cầu của NHNN, phần vì lãi suất áp dụng cho vay lĩnh vực này rất cao, dao động từ 24 -25%/năm.

Áp lãi suất cao cũng là cách mà các ngân hàng khác làm để thu hẹp tín dụng phi sản xuất. Nhưng biện pháp này là không đủ mạnh để giảm nhanh tỷ trọng cho vay phi sản xuất, nhất là với những ngân hàng nhỏ, hầu hết đang có tỷ trọng này cao, chẳng hạn, tại TrustBank là 44% (tính tới cuối tháng 3/2011).

Việc các ngân hàng nhỏ đang phải vội vã thu hẹp tỷ trọng dư nợ phi sản xuất cũng như kiểm soát mức tăng trưởng dư nợ tín dụng nói chung về mức cho phép của NHNN là khá đối lập với tư thế bình thản của các ngân hàng lớn hiện nay, bởi tại các ngân hàng này, mức tăng trưởng dư nợ hàng năm vốn không lớn và tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất cũng không cao, thậm chí đã ở mức cho phép.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất của Ngân hàng chỉ chiếm khoảng 18 - 20% trong tổng dư nợ. Tại Ngân hàng Quân đội (MB), tính đến ngày 31/3/2011, tỷ trọng cho vay phi sản xuất của Ngân hàng chỉ đạt khoảng 17%. Còn tại ACB, theo ông Bùi Tấn Tài, Phó giám đốc, kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng, tính đến cuối năm 2010, dư nợ tín dụng phi sản xuất của Ngân hàng chiếm khoảng 20% trong tổng dư nợ và hiện tỷ lệ này giảm xuống còn 18%. Với những ngân hàng này, việc hạn chế tín dụng phi sản xuất chủ yếu được thực hiện thông qua nâng lãi suất và mục tiêu cũng chỉ là để giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ nói chung.

Trong những giai đoạn kinh tế vĩ mô khó khăn, như các doanh nghiệp nhỏ khác, các ngân hàng nhỏ bao giờ cũng đối mặt với khó khăn lớn hơn so với các doanh nghiệp lớn, ngân hàng lớn. Hi vọng với nỗ lực cao nhất, các ngân hàng này sẽ hoàn thành yêu cầu về tín dụng của NHNN đúng lộ trình.

Cafeland.vn - Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland