17/09/2012 10:27 PM
Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tung ra gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ, các chuyên gia cảnh báo QE3 có thể gây ra tác dụng phụ cho châu Á dưới dạng bong bóng tài sản do dòng tiền nóng đổ mạnh vào khu vực.

QE3 sẽ cung ứng cho thị trường lượng khổng lồ đô la Mỹ giá rẻ, đẩy giá cả hàng hóa gia tăng và dẫn đến nguy cơ lạm phát. Ảnh: TL

Dòng tiền nóng sẽ tạo ra bong bóng tài sản

Trong quá khứ, việc bơm tiền vào hệ thống tài chính Mỹ từng gây ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa ra những khu vực khác trên thế giới khi dòng tiền bổ sung tìm điểm đầu tư mới. Gói QE1 và QE2 mà Fed đưa ra trong các năm 2009 và 2010 dẫn đến các dòng vốn ồ ạt chảy vào châu Á, lần lượt là 66 tỉ đô la Mỹ và 96 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên đến năm 2011, các dòng vốn trên rút bớt khỏi khu vực khiến các thị trường suy giảm nặng nề. Ông Boris Schlossberg, Giám đốc điều hành Quỹ quản lý tài sản BK Asset Management (Mỹ), phân tích: “Vấn đề là Fed không quan tâm đến châu Á vì Fed đang quá lo lắng về những động lực kinh tế nội tại và tìm cách khôi phục thị trường lao động của Mỹ. Việc làm của Fed đang tạo ra kết quả theo hai hướng: giá tài sản tăng cao nhưng chưa hẳn tạo ra tăng trưởng có chất lượng”.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cảnh báo lịch sử có thể lặp lại nếu châu Á đón nhận luồng tiền tăng mạnh từ các quỹ đầu cơ. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách khu vực cần chuẩn bị đối phó với viễn cảnh dòng tiền đầu cơ rút nhanh khỏi châu Á.

Chuyên gia phân tích thị trường Vishnu Varathan ở ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) nhận định châu Á thậm chí có thể đón nhận dòng vốn lớn hơn các lần trước vì Fed không chỉ là ngân hàng trung ương lớn duy nhất đưa ra gói nới lỏng định lượng mới, ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng có thể bắt đầu mua tài sản. Ông nói thị trường bất động sản châu Á dễ bị tổn thương nhất nếu giá tăng tốc đột ngột, đặc biệt ở các thị trường mới nổi như Indonesia và các nền kinh tế như Hồng Kông và Singapore, những nơi mà dòng tiền đầu cơ đổ vào mấy năm qua và chực chờ chốt lời.

Những năm gần đây, chính phủ Singapore và Hồng Kông đã đưa ra hàng loạt biện pháp kìm hãm cơn sốt của thị trường bất động sản. Dù vậy, giá bất động sản ở Hồng Kông hiện đã vượt mức đỉnh vào tháng 10-2007. Lo ngại gói QE3 sẽ gây ra bong bóng tài sản, ngày 14-9, Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông đưa ra quy định mới hạn chế thời hạn vay mua nhà thế chấp không quá 30 năm. Khoản vay thế chấp để trả tiền mua nhà mỗi tháng không được vượt quá 40% thu nhập hàng tháng của người mua nhà.

Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong Norman Chan cảnh báo QE3 sẽ thúc đẩy dòng vốn nóng đổ vào thị trường bất động sản Hồng Kông, do vậy Hồng Kông cần chuẩn bị đối phó với tình huống này.

Rủi ro lạm phát chực chờ

Ngoài rủi ro bong bóng tài sản, các chuyên gia cũng cảnh báo khu vực châu Á có thể đối mặt với nguy cơ lạm phát khi đô la Mỹ giảm giá, còn giá cả hàng hóa tăng.

Các chuyên gia cho rằng gói QE3 chẳng khác nào con dao hai lưỡi. QE3 sẽ giúp thị trường đón nhận khối lượng khổng lồ đô la Mỹ giá rẻ khi giá đô la Mỹ giảm mạnh. Kết quả là hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ rẻ hơn và cạnh tranh hơn nhiều. Giá cả bất động sản cũng hấp dẫn hơn và đặc biệt là chi phí thuê lao động của các công ty Mỹ cũng rẻ hơn khi đô la Mỹ yếu đi. Tuy nhiên, khi Mỹ chủ động giảm giá đô la Mỹ để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa, các nước đối thủ cũng sẽ giảm giá đồng nội tệ để thu hút đầu tư nước ngoài. Khi nhiều nước in tiền cùng lúc, lạm phát toàn cầu sẽ phi mã, trong đó dầu thô, khí đốt và lương thực sẽ bứt phá lên các mức giá cao mới. Tồi tệ hơn, điều này có nguy cơ dẫn đến những căng thẳng chính trị như phong trào Mùa xuân Ả-rập ở Bắc Phi và Trung Đông.

Các nước châu Á phải nhập khẩu dầu như Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Philippines sẽ đối mặt với rủi ro cao về lạm phát khi giá cả hàng hóa tăng. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Thái Lan Kittiratt Na-Ranong cảnh báo gói QE3 của Mỹ sẽ kích thích dòng vốn chảy mạnh vào châu Á. Ông kêu gọi các nước trong khu vực thảo luận cách xử lý tốt nhất món quà bất ngờ này vì dòng vốn đầu cơ sẽ thoái rất nhanh.

Giáo sư Teerana Bhongmakapat, trưởng khoa Kinh tế tại đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng dòng tiền mới mà Fed bơm vào nền kinh tế có thể chảy vào hàng hóa, đặc biệt là vàng, bạc và dầu. Ông lưu ý các nhà đầu tư không nên phản ứng tích cực thái quá với gói QE3 không xác định thời hạn. Ông cho biết chính phủ Thái Lan và ngân hàng trung ương Thái Lan nên để đồng baht tăng giá nếu dòng vốn ngoại đổ vào Thái Lan hơn là mua đô la Mỹ hoặc cắt giảm lãi suất để giữ gìm giá đồng baht.

Theo Chánh Tài (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.