31/10/2013 3:57 PM
CafeLand - Các hộ gia đình ở châu Á đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về nợ nhà ở. Lãi suất thấp, vay dễ dàng và tâm lý sở hữu nhà riêng của người dân châu Á khiến các hộ gia đình phải gánh chịu nợ nần ngày càng chồng chất thêm. Ngay cả khi lãi suất thế chấp bắt đầu tăng thì người dân vẫn còn tâm lý vay nợ mua nhà.

Châu Á là một điểm sáng kinh tế trong mấy năm gần đây nhưng càng ngày mức độ rủi ro trong nội bộ hệ thống tài chính châu Á càng tăng lên. Nếu cuộc khủng hoảng giống như năm 2008 quay trở lại thì những tác động đó đến nền kinh tế sẽ gây tổn hại nặng nề hơn, theo Ritesh Maheshwari - Giám đốc điều hành S&P.

Theo số liệu từ công ty đánh giá tín dụng lớn nhất trên thế giới Standard & Poor ước tính tổng nợ các hộ gia đình trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 81% ở Malaysia, 77% ở Thái Lan, 77% ở Singapore và 75 % ở Hàn Quốc.

Tại Singapore, số người vay tín dụng để mua nhà đất đã tăng lên 78% trong giai đoạn từ 2008 đến 2012. Còn ở Thái Lan, tỷ lệ nợ cũng đã lên tới con số 112%. Ngân hàng Standard Chartered cũng từng công bố, năm 2012, người Singapore vay nợ tương đương 151% thu nhập hàng năm, cao thứ hai trong khu vực.

Các hộ gia đình ở châu Á hiện nay cũng lâm vào tình trạng giống Mỹ. Cuộc khủng hoảng vào năm 2008 đã khiến nhiều hộ gia đình ở Mỹ đã không thể trả các khoản vay thế chấp mua nhà. Mặc dù các khoản nợ này không quá lớn, nhưng tác động của chúng không hề nhỏ.

Hiện nay, người dân châu Á đang phải đối mặt với tình trạng đòi nợ, khiến nhiều người mua nhà ở châu Á đang lâm vào tình trạng có thể bỏ của chạy lấy người. Khi số nợ các hộ gia đình phải gánh quá nhiều có thể đẩy họ đến bờ vực phá sản, đây là một thực tế đáng lo ngại.

Theo Frederic Neumann, nhà kinh tế tại Ngân hàng HSBC cho biết: Kinh tế khó khăn, người dân châu Á có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn, có lẽ họ sẽ không giống ở Mỹ phải lâm vào tình trạng phá sản nhưng các khoản nợ này sẽ đi theo cuộc sống của họ suốt một thời gian dài và rất khó khăn để họ trả được nó.

Gia Bảo (CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.