Đại biểu Trương Thị Ánh nêu chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng
Chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng, đại biểu Trương Thị Ánh (TPHCM) đặt câu hỏi ngắn gọn về chất lượng và giá cả: Tại sao các dự án đều đội vốn, vốn cao nhưng chất lượng công trình lại không cao?
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đây là vấn đề lớn, không những của ngành giao thông mà cả những ngành khác. Những dấu hiệu vi phạm pháp luật đều kịp thời đề nghị cơ quan pháp luật xử lý theo quy định. Theo ông, quan trọng nhất là công tác cán bộ, tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo công khai minh bạch vừa đảm bảo phẩm chất đạo đức, năng lực và đặc biệt có tinh thần chống tham nhũng tới cùng.
Đối với công trình giao thông đội vốn, ông Thăng nói có yếu tố chủ quan là không đúng quy hoạch, áp dụng định mức đơn giá chưa chuẩn, không lo đủ vốn, giải phóng mặt bằng chậm. Nhưng Bộ trưởng GTVT khẳng định, trong 3 năm trở lại đây tất cả các công trình giao thông không có công trình nào đội vốn, chỉ có giảm hơn.
“Tôi cam kết như vậy. Với điều kiện thiết kế đúng, chuẩn bị sẵn vốn, phối hợp với địa phương giải phóng mặt bằng tốt, kế hoạch đảm bảo thì không có lý do gì đội vốn cả” – Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Khẳng định phần lớn các dự án đảm bảo vượt tiến độ và chất lượng công trình, nhưng theo Bộ trưởng vẫn còn số ít dự án khi đưa vào sử dụng có hỏng hóc do quá trình triển khai kiểm soát không chặt chẽ, không tuân thủ quy trình, như quốc lộ 51 mưa vẫn triển khai thi công.
Hay đối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo ông Thăng là một rủi ro, vết nứt tại Km83 đã xác định từ trước khi khai thác kỹ thuật, còn chưa hoàn thành đầy đủ. “Vết nứt có rủi ro giữa hai lỗ khoan có một tảng đá trượt, quá trình triển khai thiết kế thi công không phát hiện ra, đó là sự cố hi hữu, không phát hiện được việc này. Vị trí này đã đưa ra khắc phục và sắp tới sẽ xong các khắc phục này”.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt câu hỏi: Suất đầu tư 1km có cao, thậm chí cao nhất hành tinh không? Bộ trưởng nói đã bám sát đơn giá của Bộ Xây dựng thì đã rà soát lại chưa? Bộ có thể tách phần giải phóng mặt bằng ra, công bố công khai đầu tư 1 km để nhân dân giám sát?
Về việc này, Bộ trưởng Thăng cho biết, rất nhiều người nói suất đầu tư cao nhất thế giới. Từ thông tin này Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng kiểm tra, đánh giá cả trong nước và nhà đầu tư ngước ngoài. Theo ông Thăng, suất đầu tư Việt Nam tương đương Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Tuy nhiên việc so sánh là khập khiễng vì nhiều yếu tố phải tương đồng mới so sánh được.
Chúng ta có những dự án còn thấp hơn khu vực, như Hà Nội – Thái Nguyên hơn 4,1 triệu USD/km, Hà Nội – Lào Cai 6,94 triệu USD/km, Hà Nội - Hải Phòng cao hơn nữa, bởi đây là dự án sử dụng vốn vay thương mại, nguyên lãi suất đã lên tới 3,5 triệu USD/km rồi.
Ông Thăng cho biết rất nhiều dự án đường cao tốc, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng phải đi qua khu vực nền đất yếu, nhiều dự án phải xây dựng những cây cầu lớn, hay như tại dự án Hà Nội- Hải Phòng phải xây dựng làm rất nhiều cầu vượt bộ hành, hầm chui dân sinh khiến chi phí tăng rất cao.
Chưa thực sự thỏa mãn, đại biểu Ngô Văn Minh đề nghị làm rõ hơn, nếu đặc thù thì cũng phải đưa ra được, ở Hà Nội có đường đắt nhất hành tinh. Ở đây có câu chuyện đơn giá kỹ thuật cao và cùng với các bộ ngành liên quan rà soát xem có giảm được nữa không?
Khâu giải phóng mặt bằng có thể tách ra, để biết trong điều kiện bình thường thì 1km đường hết bao nhiêu tiền? Tại sao một con đường như thế mà lại nhiều tiền thế?...
Giải đáp thêm vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, các công trình giao thông giá là như nhau, còn tổng mức giá dự án cao hay thấp phụ thuộc vào tiền đền bù GPMB. Chẳng hạn đường đắt nhất hành tinh Ô Chợ Dừa ở Hà Nội chỉ với 500 km nhưng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng. Lý do đắt như vậy vì nguyên tiền đền bù cho GPMB đã chiếm tới 85%.
“Dù đắt hay rẻ thì ngành luôn coi đây là trọng tâm, cần phải rà soát quy chuẩn để đảm bảo chất lượng công trình nhưng giá thành phải giảm” – Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.