Sau một thời gian ở nhà hẻm nhỏ, cặp vợ chồng trẻ định chuyển sang ở chung cư vì muốn đầu tư nhiều hơn vào chất lượng sống, đặc biệt là sự phát triển của con. Tuy nhiên, họ không vội vàng bán căn nhà trong ngõ mà tính toán một phương án an toàn hơn.

Nhiều người chọn mua nhà phố như một phương án tích trữ tài sản (hình minh họa)

Không mua căn hộ chung cư vì sợ… tiêu sản

Chị Dương Thu (28 tuổi) chia sẻ câu chuyện cân bằng giữa việc đầu tư tích lũy tài sản và đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, chị Thu chuyển vào TP.HCM để sinh sống và việc. Cô gái gốc ở Bắc Ninh này đã gặp một người đồng hương và tiến tới kết hôn sau 2 năm hẹn hò.

Sau khi đã tích lũy được một ít vốn, cộng với sự giúp đỡ của hai bên gia đình, vợ chồng chị Thu có trong tay khoảng 2 tỉ đồng và bắt đầu nghĩ đến chuyện mua nhà.

Ban đầu, hai vợ chồng chị chưa tìm được tiếng nói chung trong việc chọn chốn an cư. Trong khi chị muốn mua nhà phố thì chồng chị lại muốn sống chung cư cho tiện lợi. Sau khi tham khảo ý kiến gia đình, chị Thu và bố mẹ (có kinh nghiệm đầu tư bất động sản ở Bắc Ninh) đã thuyết phục thành công nhà nội mua nhà phố như một phương án tích trữ tài sản.

Sau quá trình tìm kiếm, vợ chồng chị Thu đã mua được một căn nhà trong ngõ ở quận 6 có diện tích 35m2 với giá 2,4 tỉ đồng. Căn nhà 4 tầng có 3 phòng ngủ, 1 phòng khách nối bếp, tầng dưới cùng để xe còn tầng thượng là bàn thờ và sân phơi.

“Sau bao năm ở thuê, tôi cảm thấy vui vì cuối cùng đã có căn nhà cho riêng mình. Căn nhà cũng rất hợp ý vợ chồng, dù xây đã lâu nhưng thiết kế rất thông minh, thoáng đáng, chỉ 35m2 nhưng không tạo cảm giác chật chội, bí bách. Điều tôi thích nhất là giếng trời mang ánh sáng vào nhà dù ở trong hẻm nhỏ", chị Thu cho biết.

Do căn nhà vẫn trong điều kiện khá tốt nên 2 vợ chồng chị không tốn nhiều chi phí để sửa sang. Quá trình sinh sống cũng diễn ra khá êm ấm khi cả hai đều dễ tính, không đòi hỏi quá nhiều. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi gia đình đón thêm thành viên mới.

Thời gian nghỉ thai sản, chị Thu phải ở nhà nhiều hơn nên cũng được trải nghiệm “đặc sản” của nhà hẻm như tiếng thi công xây dựng, tiếng cãi vã, những bữa tiệc hát karaoke và cả tiếng còi xe. Chị cũng thường xuyên phải đóng cửa, mở điều hòa vì hàng xóm sửa sang khiến bụi bay vào nhà. Bên cạnh đó, sau khi sinh con, vợ chồng chị phải sắm sửa nhiều thứ mà việc vận chuyển gặp khó khăn do ngõ chỉ đủ cho 2 xe máy tránh nhau.

Nhà trong hẻm nhỏ phát sinh nhiều vấn đề với các cặp vợ chồng trẻ (hình minh họa)

Thời gian này chồng chị an ủi khi con đủ tuổi đi học, chị đi làm trở lại, tình hình sẽ đỡ hơn. Tuy nhiên, con khôn lớn lại phát sinh thêm nhiều vấn đề.

“Tôi mua xe cho con tập đi, vận động để bớt xe điện thoại nhưng khổ nỗi không có sân chơi. Thời gian đầu tôi còn dẫn cháu ra chung cư gần đó kết hợp đi bộ rèn luyện sức khỏe. Sau này khi công việc bận bịu, tôi bắt đầu lười hơn, chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi. Tần suất dẫn con ra ngoài chơi cũng giảm hẳn, lại phải cho cháu xem điện thoại", chị Thu tâm sự.

Bên cạnh đó, chị Thu muốn tìm thêm các lớp năng khiếu, học tiếng anh, học bơi… cho con cũng gặp rắc rối bởi gần ngay nhà hầu như không có mà phải đi xa. Từ đó, chị Thu bắt đầu có sự thay đổi trong việc lựa chọn ở nhà đất hay chung cư.

Bài toán cân đối chất lượng sống và tích trữ tài sản

Bàn bạc với gia đình về việc chuyển sang chung cư sinh sống, vợ chồng chị Thu vấp phải sự phản đối của nhà ngoại vì cho rằng bán nhà đất để mua chung cư không phải là ý kiến hay. Bố mẹ chị Thu cho rằng giá căn hộ thời điểm đó đang rất cao, vượt xa giá trị thực, kể cả bán căn nhà hẻm cũng vẫn sẽ phải vay thêm để có thể tìm được căn hộ tốt. Thời điểm hiện này, vợ chồng chị vẫn chưa thanh toán hết khoản nợ mua nhà với họ hàng.

Vợ chồng chị Thu nhận thấy những điều nhà ngoại nói không sai. Nhờ môi giới thẩm định giá, chị Thu xác định được căn nhà hẻm của vợ chồng chị đang có giá trị khoảng 2,8-3 tỉ đồng.

“Như vậy, sau 5 năm, căn nhà của tôi tăng thêm được 400-600 triệu đồng. Điều này có nghĩa là vẫn còn tiềm năng tăng giá, nếu bán đi thì hơi tiếc”, chị Thu cho hay.

Sau thời gian suy tính, cuối cùng vợ chồng chị Thu đi đến quyết định, chưa vội bán căn nhà này mà sẽ cho thuê, dùng chính khoản này để thuê chung cư sinh sống.

“Chồng tôi ủng hộ ý tưởng thuê nhà để ở một thời gian thay vì chốt mua ngay. Coi như đây là thời gian để trải nghiệm, nếu thấy không phù hợp vẫn thì có thể dọn về nhà cũ để sống”, chị Thu cho biết.

Vợ chồng chị Thu chưa vội mua căn hộ chung cư mà muốn thuê một thời gian để trải nghiệm trước (hình minh họa)

Phương án này cũng được bố mẹ 2 bên chấp thuận. Tháng 6/2022, vợ chồng chị Thu đã chuyển đến sinh sống tại một căn chung cư ở quận 7. Căn chung cư 2 phòng ngủ đã có đầy đủ nội thất có giá thuê 11 triệu đồng/tháng. Căn nhà ở quận 6 hiện đang được 1 nhóm bạn trẻ mới ra trường thuê với giá 10 triệu đồng/tháng.

Sau 3 tháng trải nghiệm cuộc sống chung cư chị Thu cảm thấy khá ưng ý. Tuy phải bù tiền thuê nhà và phải đóng thêm các phí dịch vụ nhưng con số này không quá lớn, vẫn trong tầm chi tiêu của vợ chồng chị. Đổi lại gia đình chị được tiếp cận với các tiện ích nội khu như công viên nội khu, bể bơi, siêu thị.

Đối với căn nhà ở quận 6, chị sẽ cho thuê một thời gian, khi có nhu cầu mua chung cư hoặc thay đổi sang nhà ngoại ô, chị sẽ tìm cách bán đi.

  • Mua nhà trong hẻm cho thuê

    Mua nhà trong hẻm cho thuê

    Bất động sản được xem là kênh trú ẩn tài sản an toàn trong thời điểm lạm phát, nhưng đầu tư vào lúc này thì không phù hợp với những người tay ngang, thiếu kinh nghiệm. Mua nhà trong hẻm cho thuê sẽ là một phương án khai thác dòng tiền nhàn rỗi kết hợp với tích trữ tài sản.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.