CafeLand – GS E&C một cái tên vẫn còn khá xa lạ với hầu hết mọi người. Tuy vậy, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc có 15 năm hoạt động tại Việt Nam cũng đã có không ít chiến tích khi tham gia xây dựng, đầu tư nhiều công trình quan trọng ở Việt Nam. Được biết hiện tại GS E&C còn là ông chủ của một dự án khá lớn tại quận 9 là GS Metrocity Long Bình.

Chân dung GS E&C

GS E&C có tên đầy đủ là GS Engineering & Construction Corp, được thành lập vào năm 1969 với trụ sở chính đặt tại Hàn Quốc. GS E&C là một trong những nhà đầu tư đa lĩnh vực lớn nhất tại Hàn Quốc, đánh dấu sự hiện diện tại 28 quốc gia với 224 dự án, 31 chi nhánh và các công ty con trên khắp thế giới.

Trụ sở chính của GS tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: GS E&C

Ban đầu công ty có tên là Lackhee Development Co. (LDC) được thành lập như một bộ phận xây dựng của Lucky-Goldstar Group (LG Group). Năm 2005, công ty chính thức tách khỏi LG Group và thành lập GS Holdings do ông Huh Chang-soo làm chủ tịch Tập đoàn và Taik-Keun Jung làm phó chủ tịch. Sau đó, các công ty và cửa hàng khác trước đây hoạt động dưới logo LG đều đổi thành GS và được gọi là GS Engineering & Construction Corp (GS E&C) như ngày nay.

GS bao gồm GS Holdings, các công ty con và chi nhánh bao gồm: GS Caltex, GS Retail, GS Shop, GS EPS, GS Global, GS Sports và GS E&C. Trong đó, GS E&C dưới sự giám sát của CEO Forest Lim, hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng dân dụng, nhà ở, nhà máy, môi trường và nhà máy điện. GS E&C mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam với hai chi nhánh văn phòng đại diện chính tại Hà Nội và TP.HCM.

Kết quả báo cáo tài chính quý 2 của GS E&C cho thấy lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

(Tỷ giá KRW/VND ngày 16/09/2019 là 19,6 VND/KRW)

Lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 ở mức 145,5 tỷ won (122 triệu USD), so với lợi nhuận 145,2 tỷ won vào năm trước. Trong quý 2, doanh số đã giảm 28,1% so với cùng kỳ xuống 2,57 nghìn tỷ won, trong khi thu nhập từ hoạt động giảm 5,8% xuống còn 206,4 tỷ won so với cùng kỳ. Cũng trong quý này, GS E & C đã ghi nhận 5,1 nghìn tỷ won doanh thu và 398 tỷ won lợi nhuận hoạt động.

Đầu tư, thi công nhiều dự án lớn tại Việt Nam

Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2004, đến nay GS E&C đã thực hiện nhiều lĩnh vực từ xây dựng dân dụng, nhà máy cho đến thực hiện các dự án khu nghỉ dưỡng và nhà ở, có thể điểm qua một số công trình:

Năm 2004 - GS E&C đầu tư Dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài với mong muốn mở rộng đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng tại TP.HCM.

Năm 2007 – GS E&C thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển GS Nhà Bè vào ngày 29/05/2007, đầu tư Dự án Zeitgeist Nhà Bè (GS Metrocity Nhà Bè)với quy mô 349,36 ha có tổng mức đầu tư 189 triệu USD.

Cũng trong tháng 12/2007, GS E&C cùng với UBND TP.HCM đã ký biên bản ghi nhớ thực hiện dự án Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng theo hình thức BOT. Tuy nhiên đến năm 2009, GS E&C đề xuất xin tạm dừng thực hiện dự án Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) để tập trung vốn cho Dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành và cũng đã được UBND TP.HCM chấp thuận.

Năm 2008 - Công ty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn (GS SD) thuộc GS E&C, được thành lập vào ngày 20/12/2007, làm chủ đầu tư Dự án Xi Riverview Palace với quy mô 17,209 m2 có tổng mức đầu tư hơn 85 triệu USD.

Năm 2009 - GS E&C làm tổng thầu cho gói thầu EX6, EX7 thuộc Dự án Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với chiều dài 105,5km.

Năm 2011 - GS E&C là đơn vị thi công chính cho Dự án Cầu Vĩnh Thịnh – Công trình giao thông huyết mạch trên tuyến đường vành đai 5 (Quốc lộ 2C) nối liền Vĩnh Phúc và Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư 137 triệu USD từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cũng trong năm này (năm 2011), GS E&C thành lập Công ty Cổ phần Phát triển Củ Chi để phát triển dự án sân golf Củ Chi với vốn đầu tư ban đầu là 42,6 triệu USD. Tuy nhiên, đến năm 2012, Tập đoàn C.T Group mua lại 95% cổ phần và đổi tên dự án thành C.T Sphinx Golf Club & Residences.

Năm 2013 - GS E&C là một trong các nhà thầu liên doanh thi công Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa được đầu tư với tổng giá trị hơn 255 tỷ đồng.

Năm 2017 – GS E&C tái khởi công Dự án Zeitgeist Nhà Bè (năm 2007), sau 10 năm đầy trở ngại vì vướng nhiều vấn đề liên quan đến giải tỏa đền bù, thuế cũng như một số tranh chấp giữa các nhà đầu tư nội và ngoại trong liên doanh triển khai dự án. Tình hình tài chính kém khả quan của GS sau khủng hoảng 2008 cũng được cho là nguyên nhân góp phần khiến dự án này trì hoãn.

Năm 2010 – GS E&C hợp tác với Hòa Bình Corp thi công xây dựng Dự án Angsana Resort Huế theo hình thức liên doanh nhận thầu 40/60 (thi công phần thô và hoàn thiện).

Năm 2018 – GS SD (Công ty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn - thuộc GS E&C) làm chủ đầu tư và phát triển Dự án Xi Thủ Thiêm Quận 2 với quy mô 3,3 ha.

Năm 2019 – Được biết GS E&C sẽ đầu tư dự án GS Metrocity Long Bình (Quận 9). Hiện các thông tin về quy mô, thông tin thiết kế xoay quanh dự án này chưa được chủ đầu tư tiết lộ.

Thảo Uyên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm