Cầu Cần Giờ nối Nhà Bè với huyện đảo Cần Giờ được đề xuất đầu tư có tổng chiều dài 7,3km, vốn đầu tư 10.500 tỉ đồng. Công trình khởi công năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.

Hình phối cảnh cầu Cần Giờ

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đơn vị này đang hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, chuẩn bị báo cáo UBND thành phố xem xét trước khi trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư cầu Cần Giờ vào kỳ họp cuối năm 2023.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong cuộc trao đổi với người dân huyện Cần Giờ cũng cho biết, công trình quan trọng này sẽ trình HĐND TP.HCM trong tháng 12.

TP. HCM đặt mục tiêu khởi công dự án vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đơn vị tư đang đưa ra hai nhóm phương án về hướng tuyến triển khai cầu Cần Giờ như sau:

Nhóm đi theo trục Huỳnh Tấn Phát băng qua sông Soài Rạp gồm:

Phương án 1: Đường dẫn xuất phát từ đường Huỳnh Tấn Phát đi sát bên chung cư Phú Mỹ Thuận. Khi đến Trường THCS Phú Xuân thì chuyển hướng về bên phải đi sát vào nhà máy X51 của Công ty TNHH MTV đóng và sửa tàu Hải Minh. Sau đó, nhịp cầu sẽ bắc qua sông Soài Rạp (đoạn giao với sông Lòng Tàu). Đường dẫn tiếp tục đi qua khu dân cư bên phải phà Bình Khánh rồi kết nối vào khu vực đường Rừng Sác, cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Phương án 2: Đường dẫn bắt đầu từ đường Huỳnh Tấn Phát sau đó rẽ về dần phía đường Nguyễn Bình đến khu vực miếu Bà Chúa Xứ. Đường dẫn sẽ tiếp tục đi dọc theo bờ sông phía Nhà Bè và nhịp cầu sẽ bắc qua sông Soài Rạp, đáp xuống cù lao xã Bình Khánh (gần sông Chà). Tiếp theo đường dẫn đi song song với cao tốc Bến Lức - Long Thành đến đường Rừng Sác.

Phương án 3: Đường dẫn xuất phát từ đường Huỳnh Tấn Phát đi sát bên chung cư Phú Mỹ Thuận. Khi đến Trường THCS Phú Xuân thì chuyển dần về bên phải sát miếu Bà Châu Đốc 2. Đoạn tiếp hướng tuyến đi tương tự phương án 2.

Nhóm phương án đi theo trục đường 15B (đường 17 trong khu dân cư Phú Xuân) gồm:

Phương án 2A: Đường dẫn đi dọc theo đường 15B khi qua rạch Mương Ngang thì rẽ trái về phía Trường THPT Dương Văn Dương và đi tiếp đến miếu Bà Chúa Xứ. Từ đây, hướng tuyến trùng với phương án 2 (bên trên).

Phương án 4A, 4B: dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3 km. Đường dẫn cầu sẽ đi dọc tuyến 15B, cách rạch Mương Ngang khoảng 500 m, sau đó cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi sang Cần Giờ, cầu sẽ nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,5 km về phía Nam. Khác nhau giữa phương án 4A và 4B là vị trí đường dẫn tại bờ sông phía Nhà Bè. Điểm khác nhau giữa phương án 4A và 4B là vị trí đường dẫn tại bờ sông phía Nhà Bè.

Trong các phương án nêu trên, đơn vị tư vấn đề xuất xem xét thực hiện dự án theo phương án 4A và 4B. Đây cũng là hướng trước đó UBND thành phố đã lựa chọn và được Thủ tướng chấp thuận bổ sung trong quy hoạch giao thông trên địa bàn.

Đánh thức dự án tỉ đô

Cầu Cần Giờ là dự án hạ tầng có ý nghĩa lớn kết nối trung tâm TP.HCM với huyện đảo duy nhất của thành phố. Hiện nay, để di chuyển từ khu vực trung tâm thành phố đến Cần Giờ chủ yếu qua phà Bình Khánh đã quá tải và mất rất nhiều thời gian.

Là cửa ngõ hướng biển duy nhất của TP.HCM và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng Cần Giờ chưa thật sự bùng nổ về kinh tế - xã hội có phần nguyên nhân đến từ việc hạ tầng giao thông chưa tương xứng.

Huyện đảo Cần Giờ

Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 của Thành ủy TP.HCM, xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Việc cầu Cần Giờ sớm được triển khai xây dựng có thể xem là bước đi mở đường “đánh thức” nhiều dự án tỉ đô đã và đang được xem xét quy hoạch đầu tư ở đây.

Trong đó có Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có quy mô 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng.

Hay dự án rất được quan tâm là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ).

Dự án này có vốn đầu tư lên đến 5,5 tỉ USD với sự tham gia của hãng tàu container lớn nhất thế giới - Mediterranean Shipping Company (MSC).

Theo đơn vị tư vấn đề xuất, dự án dự kiến khởi công vào năm 2024 và triển khai 7 giai đoạn. Siêu cảng khi hoàn thành vào năm 2045 sẽ có 7,2km cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU. Dự án dự kiến tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 người lao động và đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.