Một số trường hợp cơ quan chức năng muốn áp dụng biện pháp cắt điện, nước tạo áp lực xử lý công trình vi phạm nhưng không đúng quy định. Trong ảnh: chung cư Bảy Hiền Tower (P.11, Q.Tân Bình, TP.HCM) bị cắt điện, nước nhưng sau đó phải mở lại cho người dân - Ảnh: Quang Định
"Người có thẩm quyền ký hợp đồng dịch vụ cung cấp điện, nước và các dịch vụ liên quan phải ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đúng thời hạn yêu cầu trong các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cấp có thẩm quyền".
Đó là một nội dung trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về quản lý trật tự xây dựng đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến của các cơ quan chức năng.
Trái luật
Tại hội nghị triển khai nghị định 139 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tại TP.HCM mới đây, đại diện thanh tra Bộ Xây dựng cho biết đây là một biện pháp nhằm giúp các cơ quan chức năng ngăn cản người dân tiếp tục xây dựng hoàn thiện công trình vi phạm, gây khó khăn trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Việc cắt điện, nước công trình xây dựng vi phạm từng được quy định tại nghị định 180 năm 2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng năm 2003.
Theo đó, việc ngừng cung cấp điện, nước cho công trình vi phạm là một trong những biện pháp xử lý vi phạm; người có thẩm quyền cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải thực hiện nghiêm chỉnh, đúng thời hạn các yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền.
Nếu không thực hiện, hoặc thực hiện không kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, Luật xây dựng năm 2014 không quy định biện pháp này, nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng (có hiệu lực vào ngày 15-1 tới) cũng không quy định việc cắt điện, nước của công trình xây dựng là một biện pháp xử lý.
TP.HCM đã ngưng áp dụng biện pháp cắt điện, nước của công trình vi phạm xây dựng từ khi Luật xây dựng có hiệu lực (ngày 1-1-2015). Điều này khiến một số địa phương tại TP.HCM lúng túng trong việc ngăn chặn người dân tiếp tục vi phạm xây dựng sau khi bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ thi công.
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng Luật xây dựng không quy định việc cắt điện, nước và các dịch vụ khác là biện pháp xử lý vi phạm, cũng không phân cấp thẩm quyền cho cơ quan khác nên những văn bản hướng dẫn thi hành không được đặt thêm.
Bên cạnh đó, chỉ thị của Thủ tướng là văn bản chỉ đưa ra các biện pháp đôn đốc thực hiện các quy định pháp luật. Nội dung cắt điện, nước công trình xây trái phép là một quy định mới, chứ không phải là biện pháp đôn đốc thực hiện, không phù hợp với nội dung chỉ thị.
Theo luật sư Nông, việc cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác là quan hệ dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Người dân vi phạm trật tự xây dựng chứ không vi phạm hợp đồng điện, nước nên nhà cung cấp không có cơ sở để chấm dứt hợp đồng, càng không thể chấm dứt hợp đồng dân sự bằng quyết định hành chính của Nhà nước.
Còn nhiều biện pháp khác để xử lý
Ông Lê Minh Nhựt - chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân - cho biết cần phải xem xét tình huống pháp lý cụ thể của công trình vi phạm, chứ không nên áp dụng máy móc cho tất cả các trường hợp.
Trường hợp công trình chỉ sai phép một diện tích nhỏ, chủ nhà có thiện chí khắc phục thì không nên cắt điện, nước làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
"Ở phường Bình Trị Đông A, cán bộ và lãnh đạo phường thường vận động người dân chấp hành lệnh đình chỉ thi công. Còn những trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp mà dân cố tình vi phạm sau khi UBND phường đình chỉ thi công thì sẽ đẩy nhanh quá trình xử lý, khi cơ quan chức năng cưỡng chế tháo dỡ thì cắt điện là hợp pháp" - ông Nhựt cho hay.
Theo ông Nhựt, biện pháp cắt điện, nước ngay khi đình chỉ thi công có thể cần để hỗ trợ những địa bàn "nóng" về xây dựng trái phép, diện tích rộng, cán bộ công chức mỏng. Còn những địa bàn tương đối ổn định thì không cần.
Chủ tịch UBND một xã ở huyện Hóc Môn khẳng định xã này áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện xây dựng tại công trình vi phạm như máy móc thi công, tôn, thép của chủ nhà... Khi nào chủ đầu tư chấp hành lệnh ngừng thi công, nộp phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả xong mới giao lại những phương tiện, vật liệu trên.
Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là ngăn ngừa vi phạm, chứ không phải chờ vi phạm xảy ra rồi xử lý.
Những người quản lý trật tự xây dựng muốn "khỏe" nên đẩy trách nhiệm, buộc các đơn vị cung cấp điện, nước phải hủy hợp đồng dân sự để phục vụ quản lý hành chính, gây áp lực để người dân phải ngừng thi công.
Điều này là sai nguyên tắc quản lý và người dân có thể khởi kiện cơ quan cấp điện, nước nếu bị cắt sai quy định.
Đại diện Công ty Điện lực Bình Phú (TP.HCM) cho biết những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, môi trường mà chính quyền địa phương có quyết định cưỡng chế và tổ chức đoàn cưỡng chế thực hiện thì lúc đó điện lực mới hỗ trợ cắt điện.
Công ty điện lực là một đơn vị kinh doanh, giữa hai bên ràng buộc bằng hợp đồng, nếu khách hàng không vi phạm hợp đồng thì không thể cắt điện được.
Theo vị này, việc quản lý trật tự xây dựng nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chính quyền. Nếu để người dân vi phạm rồi mới giải quyết hậu quả thì sẽ khó khăn cho cả chính quyền lẫn người vi phạm.
Do vậy, về mặt quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý cần xem lại khâu quản lý, ngăn chặn kịp thời hành vi xây dựng vi phạm ngay từ đầu. Còn quy định cắt điện, nước để xử lý vi phạm là không hợp lý, bởi đây là những nhu cầu cuộc sống thiết thực của người dân.
Điện, nước là nhu cầu sinh hoạt tối thiểu Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, ở các nước tiên tiến, khi phải thực hiện cưỡng chế người dân thực hiện nghĩa vụ thì họ luôn có nguyên tắc phải để lại cho người bị cưỡng chế những tiện nghi tối thiểu như điện thoại, tivi, điện, nước... Thậm chí có nơi còn quy định không cưỡng chế trong mùa đông hay thời điểm sắp đến các ngày lễ lớn, sắp sang năm mới. Ông Trần Văn Hoàng - ở P.25, Q.Bình Thạnh - cho biết người dân sử dụng điện, nước theo hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ. Nếu dân vi phạm hợp đồng mới bị ngừng việc cung cấp điện, nước. Nếu phát hiện người dân vi phạm xây dựng, cơ quan chức năng có thể xử phạt và cưỡng chế ngừng thi công, không nhất thiết phải cắt điện, nước gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân. |