Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần thành hình
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ vừa có buổi kiểm tra thực tế tiến độ triển khai loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó có dự án cầu Phước An, dự án thành phần 3 tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường ĐT 944.
Tại dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Ban quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép – Thị Vải (chủ đầu tư) cho biết, đến nay, tổng diện tích các hộ dân đã ký biên bản bàn giao mặt bằng sau khi nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ là 136,48ha/137,52ha đạt 99,24%.
Hiện nay trên toàn tuyến cả liên danh 3 nhà thầu đang đồng loạt triển khai thi công với hơn 15 mũi thi công, lũy kế giá trị thi công dự án đến nay đạt 390,3/1.847,687 tỉ đồng (21%).
Năm 2024, dự án được bố trí 500 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương. Đến nay, dự án đã giải ngân được 251,140/ 500 tỷ đồng (tương ứng với 50,23%).
Theo tính toán, với tiến độ như hiện nay, dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ về đích sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch trước đó.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 có tổng chiều dài toàn tuyến là 53,7km đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 34km, qua Bà Rịa-Vũng Tàu là 19,7km.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 dài 16km do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 dài 18,2km qua tỉnh Đồng Nai do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản và dự án thành phần 3 dài 19,5km do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải cho quốc lộ 51, có vai trò quan trọng kết nối mạng lưới giao thông liên vùng khi giao cắt với các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, sân bay quốc tế Long Thành….
Công trường thi công cầu Phước An nối Phú Mỹ với Nhơn Trạch (Đồng Nai)
Tại dự án cầu Phước An, Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải cho biết, hiện dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tiến độ thi công dự án là 5 năm từ năm 2022-2027. Đến nay, lũy kế giá trị thi công đạt 21,8%. Dự án đảm bảo tiến độ thực hiện các công việc nằm trong tiến độ tổng thể chung của dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được khởi công từ tháng 6/2023.
Dự án có chiều dài 4,3km, trong đó, phần cầu vượt sông Thị Vải dài hơn 3,5km, còn lại là đường dẫn. Dự án có tổng mức đầu tư 4.879 tỉ đồng.
Dự án cầu Phước An khi hoàn thành sẽ kết nối đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực như: Bến Lức-Long Thành và TP.Hồ Chí Minh-Long Thành - Dầu Giây.
Từ đó, kết nối toàn bộ nhóm cảng biển với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Trong khi đó, dự án ĐT994 đoạn từ Tỉnh lộ 44A giáp KDL Thùy Dương do đến ngã ba Long Phù, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ dài 5,5km do Ban Quản lý dự án Chuyên ngành Giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đang hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai thực hiện.
Sau khi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các nhà thầu thi công dự án. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhà thầu thi công cần tranh thủ thời điểm đang là mùa khô phải đắp xong đất nền đường trước khi mùa mưa tới. Các dự án khác triển khai theo đúng cam kết tiến độ với chủ đầu tư.
-
Dự án nào hưởng lợi nhờ tuyến cao tốc nghìn tỷ sắp triển khai tại Bà Rịa – Vũng Tàu
Bà Rịa – Vũng Tàu đang chuẩn bị triển khai hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Điều này không chỉ thay đổi diện mạo khu vực mà còn mở ra tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ cho các dự án bất động sản xung quanh....
-
Vỏ container “made in Vietnam” có gì đặc biệt mà lại lọt vào tầm ngắm của nhiều ông lớn logistics thế giới?
Vỏ container “made in Vietnam” được làm từ thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Sản phẩm này được thiết kế, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật...
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết khó khăn cho Tổ hợp hóa dầu 5,3 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn đặt tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư 5,3 tỷ USD, đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam.