09/06/2015 4:27 PM
Trong lúc trẻ em ở các tỉnh ĐBSCL thiếu chỗ vui chơi giải trí vào những ngày hè oi bức thì tại khu “đất vàng” của trung tâm TP Cần Thơ, công viên nước được đầu tư khoảng 60 tỉ đồng lại bị bỏ hoang

Công viên nước Cần Thơ nhìn từ dốc cầu Ninh Kiều

Sau hơn 8 tháng khởi công xây dựng, ngày 8-7-2003, Công viên nước Cần Thơ (cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chính thức đi vào hoạt động đón chào liên hoan du lịch Mekong Festival 2003 lần đầu tiên tổ chức tại Cần Thơ.

Với diện tích gần 5 ha, mức đầu tư gần 60 tỉ đồng trong giai đoạn 1, Công viên nước Cần Thơ được xem là khu vui chơi giải trí dưới nước hiện đại nhất khu vực ĐBSCL. Gần như toàn bộ thiết bị lắp đặt tại công viên này đều do Canada sản xuất, như: Dòng sông lười, hồ tạo sóng, máng trượt…

Chuẩn bị đi vào hoạt động giai đoạn 1, Công viên nước Cần Thơ quảng bá và tuyển dụng nhân sự rầm rộ khiến không ít người cảm thấy lo ngại cho tương lai của khu vui chơi giải trí hoành tráng này. Bởi lẽ, vị trí xây dựng công viên ngay sát mé sông Hậu- nơi có bãi cát bồi mà thường ngày thanh thiếu niên thường ra tắm. Việc bỏ tiền mua vé vào công viên nước để tắm có thể chỉ vì hiếu kỳ, đến một lần… cho biết.

Những ngày đầu đi vào hoạt động, Công viên nước Cần Thơ chào đón một lượng khách “khủng” đến vui chơi. Nhận thấy thành công trước mắt, chủ đầu tư chuẩn bị kinh phí khoảng 40 tỉ đồng để đầu tư giai đoạn 2 theo kế hoạch, gồm các hạng mục: khách sạn, sân tennis, các trò chơi cảm giác mạnh, trò chơi trên cạn… Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, lượng khách bắt đầu thưa dần, khu vui chơi chỉ còn hoạt động cầm chừng vào những ngày cuối tuần hoặc lễ, Tết. Vài năm sau đó, công viên này bắt đầu “trùm mền”. Các thiết bị gần như bị hư hỏng, cỏ dại mọc um tùm.

Do không hoạt động nên xung quanh công viên nước này bắt đầu cho thuê mở quán nhậu, quán cà phê hoạt động ì xèo khiến người dân càng tỏ ra bức xúc trước việc sử dụng không đúng mục đích của khu “đất vàng”.

Thanh tra Chính phủ đã từng vào cuộc và đi đến kết luận rằng do đầu tư không đúng chủ trương, không phù hợp với điều kiện tự nhiên thực tế, xuất hiện nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án… nên dẫn đến việc thua lỗ năm sau cao hơn năm trước của công viên nước này.

Sau đó, UBND TP Cần Thơ chấp nhận cho Tổng Công ty Xây dựng số 1 rao bán công viên nước này với giá 50 tỉ đồng. Giữa tháng 4-2008, công viên này chính thức được bàn giao cho chủ mới là Liên danh Công ty TNHH Nam Long và Công ty CP Đầu tư Thương mại - Dịch vụ Điện lực.

Tuy nhiên, từ ngày chủ mới tiếp quản đến nay, do không được phép chuyển đổi công năng nên công viên nước chỉ thỉnh thoảng mới mở cửa đón vài chục khách đến tham quan, sau đó lại đóng cửa im ỉm. Mới đây, công ty thông báo tạm ngưng hoạt động để bảo trì, tổng vệ sinh và sẽ hoạt động trở lại vào ngày 9-5. Thế nhưng, sáng ngày 9-6, công viên vẫn cửa đóng then cài. Nhân viên trực bảo rằng vẫn chưa hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết chính quyền địa phương cũng đã nhìn thấy việc Công viên nước Cần Thơ bị bỏ hoang, gây mất mỹ quan đô thị của TP. Tới đây, UBND TP Cần Thơ sẽ làm việc với chủ mới của công viên nước này để tìm giải pháp khôi phục lại hoạt động, tuyệt đối không để tình trạng hoang tàn kéo dài. “Từ khách sạn cao tầng (khách sạn Mường Thanh Cần Thơ) nhìn xuống, hình ảnh Công viên nước Cần Thơ không đẹp chút nào”- ông Tâm nói.

Cổng vào Công viên nước Cần Thơ vắng tanh

Hệ thống trò chơi hầu như đã hư hỏng nặng

Cảnh hoang tàn của công viên sau thời gian dài không hoạt động

Quán nhậu lẩu dê "tiếp quản" khu vực nhà tắm trước đây của công viên nước

Sân bóng cỏ nhân tạo chiếm một phần diện tích của công viên

Chủ đề: Bỏ hoang
Phạm Công (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.