Các dự án đang rất “đói” vốn bước vào giai đoạn hoàn thiện
Nghiên cứu mới nhất về thị trường bất động sản (BĐS) cho biết, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang tồn đọng khoảng 70.000 căn hộ. Con số khổng lồ này là hệ quả của giai đoạn sốt ảo BĐS. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), từ cuối năm 2009, tại thị trường Hà Nội đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường. Từ đó, nhà nhà đều đổ xô vào làm BĐS, bất chấp sự yếu kém về kinh nghiệm, năng lực tài chính, quản trị... Cùng với lượng vốn ồ ạt đổ vào thị trường, tình trạng cấp phép dự án tràn lan đã tạo nên những khu đô thị bỏ hoang, lãng phí tiền của gây hỗn loạn thông tin trên thị trường. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, đây là đợt sụt giảm mạnh nhất của thị trường BĐS trong gần 10 năm qua. Điều này cho thấy một thực tế, lòng tin của xã hội, của người dân, nhà đầu tư vào thị trường đã giảm mạnh. Đây chính là điểm yếu cốt tử của thị trường thời điểm này.
Bình luận về con số tồn kho BĐS, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói, không chỉ đổ quá nhiều tiền của vào BĐS trong những năm qua, việc tập trung sâu vào một khu vực địa lý để đầu tư, xây dựng cũng là nguyên nhân quan trọng khiến thị trường rơi vào tình trạng thê thảm hiện nay. Sự gia tăng quá nhanh đi đôi với mất cân đối về cơ cấu nguồn cung, đặc biệt đặt trong mối tương quan không đối xứng với cầu có khả năng thanh toán đối với BĐS, khiến cho thị trường hoặc mang đậm nét đầu cơ, tạo bong bóng hoặc dư cung khiến cho tồn kho BĐS tăng vọt trong khi nhu cầu thật còn rất cao lại chưa được đáp ứng. Một số chuyên gia đồng ý rằng, việc mở rộng tổng quy mô đầu tư BĐS toàn xã hội quá lớn đến mức vượt nhiều lần khả năng tự có, đã khiến thị trường BĐS bị sa lầy khi các nguồn lực xã hội đột ngột khan hiếm.
Bàn về lối thoát cho thị trường, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải tự cứu mình. Để lấy lại niềm tin trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, bản thân các doanh nghiệp phải làm ăn nghiêm túc và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các dự án bất động sản phải xây dựng được cơ cấu sản phẩm, vị trí, quy mô, giá cả phải phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân. Đương nhiên, cùng với đó, các ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ về vốn, các dự án sẽ hoạt động trở lại thay vì “đắp chiếu” và thanh khoản sẽ được đẩy lên.
Từ nhiều tháng nay, để giải phóng hàng tồn kho, các chủ đầu tư dự án BĐS đã tung ra nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá, tặng gói lãi suất, hợp tác với ngân hàng cung cấp tín dụng... cho khách hàng. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp, thay vì những giải pháp tích cực hay chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, lại vẫn giở những chiêu trò cũ để lôi kéo khách hàng, bằng mọi cách móc túi những nhà đầu tư tiềm năng.
Anh Nguyễn Văn Phúc, quận Đống Đa (Hà Nội) cả tuần nay chưa hết ấm ức vì suýt bị ăn “quả lừa” của một công ty bất động sản có dự án ở Trung Văn, Từ Liêm. Có mối quan hệ thân tình với giám đốc công ty, anh Phúc nhiều lần được mời mua suất “đối ngoại” của dự án chung cư nói trên. Anh Phúc chua chát: “Họ nói giá bán ra ngoài là 24 triệu đồng/m2 nhưng có một số ít suất “đối ngoại” ở vị trí đẹp, giá “đặc biệt”, chỉ 22 triệu đồng/m2. Nghĩ chỗ quen biết lâu năm, tôi chỉ kiểm tra sơ qua trên mạng thì thấy đúng là nhiều người rao bán 24 triệu đồng/m2 thật nên loay hoay hô hào mấy người họ hàng cùng góp tiền để mua. May là trước hôm trả tiền 1 ngày, người họ hàng phát hiện, cũng công ty này quảng cáo trên một tờ báo giá bán chỉ 20-22 triệu đồng/m2. Hóa ra, suất “đối ngoại” chỉ là chiêu lừa bán hàng, để khách hàng tin mua được giá rẻ mà sớm đóng tiền...”. Từ trường hợp của mình, anh Phúc khuyên, những khách hàng có nhu cầu phải luôn bình tĩnh, tìm hiểu kỹ về dự án cũng như tình hình chung của thị trường trước khi ra quyết định. “Đừng nghĩ chủ đầu tư kêu khó, kêu khổ, phải bán tháo vốn mà vội “ôm” vào, có ngày méo miệng” – anh Phúc nói.