Dự án CT12 Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Mai.
Tự “đẻ” ra nhiều loại phí
Như Tiền Phong phản ánh nhiều số báo trước, dự án CT12 Văn Phú (Hà Đông) được chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán dưới giá trị thực để khách hàng đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ đồng. Vì tin tưởng sàn giao dịch bất động sản (BĐS) VIC Land (đơn vị phân phối dự án) nên nhiều khách hàng phải trả tiền ngoài hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm bàn giao nhà tháng 6/2015, chủ đầu tư tìm mọi lý do khiến khách hàng có nhà nhưng không vào ở được.
Tại thông báo gửi khách hàng ngày 11/7/2015 do bà Thanh Huyền, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Xây dựng Hạ Đình ký ghi rõ: “Công ty đã hoàn thành thủ tục pháp lý và nộp cho Cty điện lực Hà Đông để nghiệm thu, đấu nối. Tuy nhiên, Cty điện lực Hà Đông chưa có câu trả lời. Vì vậy, khách hàng phải lắp công tơ điện qua công ty”.
Trong khi đó, theo phản ánh, với hơn 20 khách hàng mua nhà tại dự án CT12 Văn Phú, chủ đầu tư tự đưa ra mức phí lắp công tơ 750.000 đồng (ban đầu mức phí đưa ra là 1 triệu đồng, sau đó giảm xuống). “Chúng tôi liên hệ Cty điện lực Hà Đông và họ khẳng định việc ký hợp đồng và lắp công tơ điện là hoàn toàn miễn phí. Chủ đầu tư còn dọa cắt điện nếu không lắp công tơ”, chị Ánh Nguyệt, khách hàng mua nhà dự án nói.
Việc bắt các hộ dân đóng thêm khoản công tơ điện từng được chủ đầu tư này áp dụng tại dự án Hạ Đình Tower (Thanh Xuân, Hà Nội). Năm 2014, 50 khách hàng mua nhà tại dự án “ngã ngửa” khi chủ đầu tư bắt đóng hàng loạt loại phí mới cho nhận nhà. Ông Bùi Văn Phú lúc này là Phó Giám đốc Cty CP đầu tư 135 - chủ đầu tư dự án Hạ Đình Tower (nay là Chủ tịch HĐQT Cty CP Xây dựng Hạ Đình).
Anh Thanh Tùng, khách hàng mua nhà dự án Hạ Đình Tower cho biết: “Để được cấp điện, chủ đầu tư yêu cầu mỗi hộ nộp 5 triệu đồng phí treo đồng hồ, hơn 1,2 triệu đồng mua công tơ và át-tô-mát. Các loại phí đưa ra phải được bàn bạc, đồng thuận giữa khách hàng và chủ đầu tư, nhưng Cty 135 đã tự ý áp đặt. Khi khách hàng phản ứng, chủ đầu tư tìm cách gây khó dễ, như cắt điện, nước, dừng vận hành thang máy...”.
Ngoài ra, theo anh Tùng, để được sửa nhà, khách hàng phải đặt cọc cho chủ đầu tư 20 triệu đồng, để nếu có làm hư hỏng phần sở hữu chung, chủ đầu tư sẽ trừ vào khoản tiền này. Chưa kể nhiều phí khác, như phí dọn vệ sinh tường phá dỡ 1 triệu đồng/m2; phí thi công 10.000 đồng/m2/tháng; tiền điện nước trung bình 840.000 đồng/tháng...
Khách hàng bị bỏ rơi
Hàng chục khách hàng mua nhà dự án CT12 Văn Phú làm đơn kiến nghị, lên gặp Cty CP Xây dựng Hạ Đình nhưng đều bị chủ đầu tư từ chối và cho rằng: “họ không làm gì sai”. Nhiều khách hàng đành gõ cửa Sàn giao dịch BĐS VIC Land (đơn vị bán hàng trực tiếp), nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Hải, GĐ Sàn giao dịch BĐS VIC Land cho rằng: “Năm 2013, chúng tôi phân phối 100 căn hộ dự án CT12 Văn Phú. Việc tư vấn bán hàng dựa trên thông tin chủ đầu tư cung cấp. Chúng tôi không biết được những phát sinh sau này xảy ra. Có những việc chủ đầu tư gây khó dễ cho khách hàng, chúng tôi không thể can thiệp vì sàn chỉ là đơn vị phân phối”.
Liên quan tới việc khách hàng được sàn tư vấn ghi dưới hợp đồng để vay gói 30.000 tỷ đồng, ông Hải cho biết: “Chúng tôi bán nhà cách đây 2 năm, khách hàng trước đây được mua với giá hơn 9 triệu đồng/m2. Họ thấy chúng tôi phân phối nên giao gửi bán lại. Số tiền tôi thu là khoản thu chênh cho khách trước và không ghi ngoài để khách hàng hưởng lợi gói hỗ trợ vay ưu đãi. Vì chủ đầu tư không vào hợp đồng luôn cho khách hàng mua trước nên bây giờ khách hàng được vào thẳng hợp đồng để vay”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Kinh doanh BĐS (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay: “Khách hàng mua nhà có thể đặt cọc không vào tên hợp đồng. Quá thời hạn vào hợp đồng mà chủ đầu tư không vào hợp đồng cho khách hàng vi phạm Nghị định 71 về Luật nhà ở và thanh tra có thể xử phạt chủ đầu tư”.
Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: “Chủ đầu tư có thể đang làm giả mạo hồ sơ với nhiều tình tiết không rõ ràng về hợp đồng mua bán, hợp đồng môi giới của Cty Xây dựng Hạ Đình liên quan tới gói 30.000 tỷ đồng. Chúng tôi đang cho kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm theo quy định”. |
-
Cảnh báo trục lợi gói 30.000 tỷ đồng: Nỗi thống khổ của người mua nhà
Tin lời quảng bá của chủ đầu tư về chung cư cao cấp được vay gói 30.000 tỷ đồng, nhiều khách hàng chịu “quả đắng” khi nhận nhà. Trong khi đó, chủ đầu tư và ngân hàng đổ lỗi cho nhau về việc cho người có tiền vay ưu đãi “gói” của người thu nhập thấp.
-
Để bán được hàng, chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp đã “hô biến” thành chung cư giá thấp, nhằm trục lợi từ gói vay 30.000 tỷ đồng của người thu nhập thấp (mua nhà giá rẻ với lãi suất ưu đãi). Nghịch lý thay, như nhiều bài báo của Tiền Phong đã phản ánh, người thu nhập thấp lại gặp khó khi tiếp cận gói vay này.