03/09/2015 4:45 PM
Trong thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới vấn đề trục lợi gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở dành cho người có thu nhập thấp.
Chủ đầu tư nhiều dự án khẳng định không bán giá thấp rồi thu chênh lệch ngoài nhằm hưởng lợi từ gói 30.000 tỷ đồng
ĐTCK đã từng phản ánh trường hợp nhà ở thương mại chẻ nhỏ hợp đồng để “lọt” vào gói tín dụng này. Trước hiện tượng trên, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã phát đi thông điệp: “Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng làm lợi cho cá nhân hay một bộ phận”. Tuy nhiên, quan điểm thế nào là “trục lợi” gói 30.000 tỷ đồng cần phải được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh trong thực tế.
Đối với nhà ở xã hội, dành cho đối tượng cụ thể là cán bộ công chức, viên chức và người có thu nhập thấp, sau 5 năm mới được chuyển nhượng, việc hạ giá bán chính thức để thu phí ngoài đương nhiên phạm luật. Tuy nhiên, đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng không chỉ có người mua nhà ở xã hội mà còn có nhà ở thương mại, là những căn hộ có tổng giá trị hợp đồng dưới 1,05 tỷ đồng hoặc có diện tích nhỏ hơn 70m2.
Tại TP. HCM, ĐTCK nhận được thông tin có việc chủ đầu tư hạ giá bán để khách hàng đủ điều kiện hưởng gói vay ưu đãi và thu tiền chênh lệch ngoài luồng tại một số dự án nhà ở thương mại có áp dụng gói vay 30.000 tỷ đồng. Đơn cử như Dự án Tecco Green Nest (Quận 12), có thông tin cho biết, chủ đầu tư đã hạ giá bán nhằm đáp ứng được điều kiện của gói 30.000 tỷ đồng, sau đó thu tiền chênh lệch ngoài từ 40 - 50 triệu đồng.
Trả lời thông tin này, ông Nguyễn Văn Cường, đại diện chủ đầu tư Tecco cho biết: “Không có chuyện chủ đầu tư thu tiền chênh lệch vì các căn hộ tại Dự án có diện tích từ 57 - 65 m2, giá bán khoảng 14 triệu đồng/m2. Dự án có tăng giá thêm vẫn đủ điều kiện để vay gói 30.000 tỷ đồng, bởi giá trị chưa đến 1,05 tỷ đồng theo quy định. Do đó, chúng tôi không có lý do gì phải hạ giá.
Khi nghe thông tin phản ánh có chuyện bán chênh lệch 40 - 50 triệu đồng/căn hộ, Công ty đã kiểm tra và biết rằng, có một vài căn của cán bộ nhân viên trong Công ty được mua giá ưu đãi, sau đó bán lại thu tiền chênh lệch. Không riêng gì dự án này mà tất cả các dự án nhà ở của Tecco đều dành một tỷ lệ nhất định bán với giá ưu đãi cho cán bộ, nhân viên”.
Không chỉ Tecco, hàng loạt chủ đầu tư khác như Phúc Hà Group (chủ đầu tư Dự án Thăng Long Victory), Công ty An Gia Hưng (chủ đầu tư Dự án La Astoria) đều ngạc nhiên trước thông tin họ hạ giá căn hộ để trục lợi gói 30.000 tỷ đồng, bởi với giá bán chính thức được công bố rộng rãi, các căn hộ của họ đều đủ điều kiện tham gia gói tín dụng này. Thậm chí, căn hộ của Tecco có giá từ hơn 700 đến 900 triệu đồng/căn, “còn xa” mới đến ngưỡng quy định 1,05 tỷ đồng.
Theo quy định, việc mua đi bán lại các căn hộ thương mại được pháp luật cho phép. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ kiểm soát việc có đủ điều kiện được vay gói 30.000 tỷ đồng hay không. Do vậy, trao đổi với ĐTCK về trường hợp căn hộ thương mại có giá bán khoảng 800 triệu đồng, đã được vay gói 30.000 tỷ đồng, sau đó bán lại cho người khác, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng: “Với việc mua bán nói trên, nếu khách hàng đáp ứng được việc trả nợ đúng hạn thì không sai so với quy định. Tuy nhiên, nếu khách hàng đó đã chuyển nhượng căn hộ, người đó có tiếp tục chịu trách nhiệm trả nợ hay người nhận chuyển nhượng trả nợ phải được làm rõ”.
Bình luận về việc các chủ đầu tư lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng để bán nhà ở thương mại với giá không hề rẻ mà người thu nhập thấp khó có thể “với tới”, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc chủ đầu tư tận dụng kẽ hở chính sách để bán nhà ở thương mại không thuộc diện cho vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng cần được nhìn nhận khách quan. Kẽ hở này thuộc trách nhiệm của hệ thống ngân hàng, nơi thẩm định, quyết định hoạt động cho vay mua nhà, không nên chỉ đổ lỗi cho DN kinh doanh bất động sản.
  • Xử lý thế nào với người mua nhà trục lợi gói 30.000 tỷ đồng?

    Xử lý thế nào với người mua nhà trục lợi gói 30.000 tỷ đồng?

    Những khách hàng mua nhà tham gia “trục lợi” gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ không tiếp tục được vay vốn ưu đãi và hợp đồng mua bán có thể không còn giá trị. Trong khi các chủ đầu tư sẽ đối diện với nhiều hình thức xử lý.

  • Gói 30 nghìn tỷ: Bỏ tiền mua sự... mất niềm tin

    Gói 30 nghìn tỷ: Bỏ tiền mua sự... mất niềm tin

    Gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp là một trong những dẫn chứng điển hình của việc bỏ tiền ra để đánh đổi lấy sự mất... niềm tin mà nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến sau khi họ lắng nghe tiếng nói từ người dân.

  • Kiểm tra thông tin trục lợi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

    Kiểm tra thông tin trục lợi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

    Trước thông tin xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư các dự án thương mại chia nhỏ các hợp đồng khi bán nhà để khách hàng đáp ứng tiêu chuẩn được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời.

Trung Kiên (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.