10/05/2011 12:58 PM
Lãi suất cho vay ngất ngưởng. Bức xúc không chỉ có ở người đi vay, mà cả cán bộ tín dụng ngân hàng cũng căng thẳng…


Đầu giờ chiều, trời nắng gắt, hai chuyên viên tín dụng đã có mặt ở thửa đất chờ khách vay đến triển khai công đoạn thẩm định tài sản thế chấp. Vã mồ hôi vì ông khách đến muộn, nhưng nụ cười không gượng ép trên nét mặt. Kỹ thuật thẩm định tiến hành nhanh, gọn.

“Làm tín dụng không hẳn chỉ ngồi bàn giấy như nhiều người nghĩ. Lúc này, xử lý những công đoạn thẩm định, giải quyết hồ sơ thật nhanh, giảm thiểu tối đa phiền hà có lẽ là sự chia sẻ mà cá nhân bọn em có thể làm trong bối cảnh lãi suất cao như vậy”, một chuyên viên tâm sự.

“Anh ơi, vì quyền lợi lâu dài…”

Hỏi chuyện một số cán bộ tín dụng ngân hàng, điều mà họ ngại nhất lúc này là tiếp xúc với khách hàng để đưa ra thông báo: tăng lãi suất. Với một khoản vay trung hạn, mức tăng trong vòng nửa năm qua đã khoảng 4% - 5%/năm. Một sự điều chỉnh khó nói…

“Năm 2008 còn giải thích yếu tố bên ngoài và lẫn bên trong. Nào là khủng hoảng nhà đất ở bên Mỹ, nào là các nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn, nào là do thanh khoản... Bây giờ giải thích với khách hàng thế nào về việc thỏa thuận tăng lãi suất vay? Cán bộ tín dụng chúng tôi chỉ biết “năn nỉ”: “Anh ơi, vì quyền lợi lâu dài, mong anh chấp nhận lãi suất vay này 24% - 25%, ngân hàng nào cũng vậy mà anh…”, thư của một cán bộ tín dụng viết.

Trong lá thư gửi về VnEconomy, cán bộ này cho biết là vì quá căng thẳng và bức xúc cần chia sẻ trong công việc hàng ngày của mình. Lãi suất cho vay quá cao, doanh nghiệp và người vay khó khăn. Còn cái khó trong lý giải của cán bộ tín dụng với khách hàng có lẽ là một điển hình cho việc nhìn nhận về chính sách điều hành hiện nay.

Cầm tờ khế ước với mức lãi suất tới 21%/năm, anh Trần Ngọc Hồng (Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An) “không dám” hỏi cán bộ tín dụng, bởi họ cho vay đã là may (?). Nhưng điều mà anh băn khoăn là sao cao thế. Cái cao anh nói là trực quan đơn giản: “Tôi thấy ngân hàng huy động có 14%/năm mà cho vay tận 21%/năm, thu tới 7% chênh lệch!”.

Có lẽ anh Hồng không nắm rõ các ngóc ngách của đồng vốn từ ngân hàng trước khi chảy đến mình. Nó phải rẽ qua ngách dự trữ bắt buộc, rẽ vào các khoản trích dự phòng chồng chéo, đọng vào quy định chỉ được dùng 80% huy động để cho vay, rồi phải san cho các loại chi phí này nọ trong hoạt động và quản lý… Nhưng lối rẽ lớn nhất của nó, theo như nhiều thông tin phản ánh vừa qua, là yêu cầu bù đắp cho phần mà ngân hàng phải huy động “ngầm” trên 14%/năm.

Và nếu anh Hồng mạnh dạn hỏi, cái khó của cán bộ tín dụng khi trả lời nằm ở lối rẽ lớn nhất đó. Làm sao giải thích một cách thỏa đáng khi chênh lệch giữa lãi suất huy động với cho vay lên tới 7% như vậy, thậm chí tới 10%? Bởi quy định pháp lý hiện cho thấy mức lãi suất huy động tối đa của ngân hàng là 14%/năm!

Không điều tiết từ thượng nguồn, dòng nước lớn về xuôi có thể tràn qua đập. Cơ chế hiện hành ngăn đập ở lãi suất huy động nhưng lại mở ở thượng nguồn lãi suất cho vay. Ngân hàng thu lãi đầu ra tới 21%, 23% thì hoàn toàn có điều kiện để trả lãi đầu vào 16%, 17%. Vấn đề còn lại là các kỹ thuật hợp thức, và bức xúc là sự gánh chịu của doanh nghiệp và người vay vốn.

Liệu đó có phải là một sự lý giải? Còn vì sao lại có chuyện phải huy động với lãi suất hơn 14%/năm lúc này lại là vấn đề khác.

Tiềm ẩn rủi ro

Trở lại với lá thư của cán bộ tín dụng nọ, bên cạnh áp lực trong công việc hàng ngày, tác giả nhấn mạnh đến những bất cập về thực tế lãi suất hiện nay.

Thứ nhất: lãi suất tất cả kỳ hạn VND của cá nhân, tổ chức từ 1 tháng đến 36 tháng đều 14%/năm. Thứ hai: lãi suất tất cả kỳ hạn USD của tổ chức từ 1 tháng đến 36 tháng đều 1%/năm. Thứ ba: lãi suất tất cả kỳ hạn USD của cá nhân từ 1 tháng đến 36 tháng đều 3%/năm.

“Đó là những bất cập trái với quy luật. Gửi càng dài lãi suất càng cao, vì lý do nguồn vốn ngân hàng ổn định nên ngân hàng chấp nhận trả một lãi suất cao bù đắp thiệt hại cho khách hàng (bậc thang theo thời hạn gửi); gửi càng nhiều tiền, lãi suất càng cao, vì lý do ưu đãi cho khách hàng VIP (bậc thang theo số tiền gửi)”, cán bộ tín dụng này phân tích và đặt câu hỏi, “Như vậy thì có phải chúng ta sử dụng biện pháp hành chính nhiều quá để can thiệp thị trường?”.

Và hệ quả mà tác giả lá thư đưa ra là cuộc đua ngầm về lãi suất khó kiểm soát; nguồn vốn huy động không tăng mà chạy quẩn trong hệ thống; lãi suất cho vay leo thang; doanh nghiệp và người vay thiệt hại vì lãi suất cao hoặc phải hạn chế sản xuất kinh doanh; và cuối cùng là lo ngại nợ xấu gia tăng nếu tình hình kéo dài.

Đó là những phân tích và quan điểm cá nhân của một người trong cuộc chia sẻ. Nhưng, trong đó, lo ngại về khả năng gia tăng nợ xấu là một thực tế. Khó khăn của doanh nghiệp và người vay vốn lãi suất cao hiện nay có thể truyền dẫn sang chính ngân hàng.

Một tham khảo là, ngay quý 1/2011, đã có ngân hàng công bố tỷ lệ nợ phân loại đang gia tăng; hay trong báo cáo tài chính của một số nhà băng vừa công bố, dễ thấy những con số tăng lên ở các nhóm nợ “cần chú ý” cho đến “có khả năng mất vốn”…
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.