Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 1,05% so với tháng 9, tăng 7,58% so với tháng 12/2009, tăng 9,66% so với tháng 10/2009; bình quân 10 tháng năm nay tăng 8,74% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tốc độ tăng CPI tháng 10 năm nay tuy thấp hơn tốc độ tăng 1,31% của tháng trước, nhưng lại cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trong tháng 10 của 15 năm trước đó; sau 10 tháng (tức tháng 10 năm nay so với tháng 12 năm trước) đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 4,5% của cùng kỳ năm trước, cao hơn mục tiêu ban đầu của cả năm (tăng 7%).

Diễn biến CPI trong tháng 10 và 10 tháng năm nay được nhìn nhận từ tác động của yếu tố tài chính - tiền tệ, bởi tài chính - tiền tệ là yếu tố trực tiếp và cũng là cuối cùng được bộc lộ ra giá cả.

Tuy nhiên, về tài chính, tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP năm nay chỉ vào khoảng 5,95%, thấp hơn tỷ lệ tương ứng (6,6%) của năm trước và thấp hơn tỷ lệ (6,2%) theo mục tiêu đề ra.

Về tiền tệ - tín dụng, cả tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, cả tốc độ tăng dư nợ tín dụng năm nay đều chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng trưởng tương ứng của năm trước, trong khi tốc độ tăng huy động lại cao hơn tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng dư nợ tín dụng. Mặt bằng lãi suất năm nay đều cao hơn năm trước. Lãi suất huy động trong quý I còn thấp, nhưng đã tăng lên mức 11,2%/năm ở quý II và chỉ giảm nhẹ xuống còn 11%/năm từ ngày 15/10/2010 sau đồng thuận của các ngân hàng thương mại, mức lãi suất tiết kiệm từ tháng 4 đến tháng 8 đã bảo đảm thực dương và theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch, Trưởng ban Giám sát tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất thực tại Việt Nam cả năm có thể đạt gần 4%, quá “khủng” so với thế giới.

Dù vậy, không thể không tìm nguyên nhân từ yếu tố tài chính - tiền tệ. Nhìn xa hơn, khi tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2009 ở mức khá cao, mức bội chi năm nay có thể thấp hơn, nhưng vẫn còn khá cao và đây là yếu tố vừa trực tiếp, vừa tiềm ẩn của lạm phát. Tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng rất cao trong năm trước với độ trễ 5-6 tháng. Theo dự đoán trước đây, lạm phát sẽ cao ở thời điểm tháng 4 đến tháng 6, nhưng thực tế, CPI từ tháng 4 đến tháng 8 lại ở mức thấp, chủ yếu do dòng tiền đã chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản, sau đó chảy vào thị trường vàng và từ tháng 9 đã chảy vào thị trường hàng hóa, dịch vụ, cộng hưởng với những yếu tố khác làm cho CPI tăng cao.

Nhìn rộng ra, là sự biến động của giá vàng, của giá USD và nhiều ngoại tệ khác, tạo sức ép đối với tâm lý, cũng như kỳ vọng lạm phát của nhà đầu tư, người tiêu dùng.

Cùng với yếu tố tài chính - tiền tệ, với độ trễ của nó là tác động của yếu tố chi phí đẩy. Yếu tố chi phí đẩy thể hiện trên nhiều mặt. Việc tăng giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng trong hơn 1 năm qua làm cho chi phí sản xuất của các sản phẩm, dịch vụ tăng lên theo nguyên tắc “bình thông nhau” của kinh tế thị trường. So với cùng kỳ năm ngoái, 9 tháng đầu năm nay, giá hầu hết mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng khá cao, nhiều mặt hàng giá tăng hai chữ số (điều, chè, tiêu, sắn, than đá, cao su, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo, giấy, bông, sợi, sắt, thép...). Giá hàng xuất, nhập khẩu tính bằng ngoại tệ tăng cao, cộng hưởng với sự tăng lên của tỷ giá VND/USD, đặc biệt là tỷ giá của VND/NDT, VND/Yên Nhật, VND/Baht Thái Lan... - những nước mà Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu nhiều, hoặc nhập siêu lớn - đã làm “khuếch đại” lạm phát ở trong nước.

Yếu tố tức thời, yếu tố lịch sử cũng khiến CPI tăng cao. Yếu tố tức thời lớn nhất là những cơn mưa lũ lớn nhất hàng trăm năm nay đã tàn phá các tỉnh Bắc miền Trung, không chỉ làm thiệt hại lớn về tài sản hiện có, cũng như chi phí để khắc phục, mà còn tác động xấu đến lưu thông hàng hóa Bắc - Nam. CPI ở Hà Nội tháng 10 tăng cao hơn nhiều so với các tháng trước và so với cả nước, ngoài nguyên nhân chung còn có một phần do lượng người tập trung về Hà Nội mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, làm cho nhu cầu tiêu dùng, nhất là ăn uống ngoài gia đình, một số dịch vụ khác tăng cao và việc lưu thông hàng hóa từ các địa phương khác khó hơn so với ngày thường. Tại các tỉnh miền Bắc, lúa mùa bị dịch sâu rầy làm giảm năng suất, sản lượng. Ở miền Nam , lượng gạo xuất khẩu 9 tháng đã tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước; nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước tăng, trong khi lượng gạo trong dân cư không lớn. Giá lương thực ở cả 3 miền đều tăng lên.

Về mặt lịch sử, nhu cầu đầu tư vào mùa khô, nhu cầu sản xuất, nhập khẩu, dự trữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết thường cao hơn nhiều thời gian khác trong năm. Lượng tiền phục vụ lương, thưởng cuối năm và tiêu dùng trong dịp Tết thường khá cao và thường dồn vào một thời gian ngắn (ngay năm trước đã được thống đốc cảnh báo, nhưng vẫn diễn ra ở mức cao).

Diễn biến trên là tín hiệu và các yếu tố trên là cơ sở để dự đoán CPI cả năm nay sẽ tăng cao, có thể vượt mục tiêu điều chỉnh (8%). Hai tháng cuối năm 2009 tăng trên 0,96%/tháng (tháng 11 tăng 0,55%, tháng 12 tăng 1,38% và tính chung 2 tháng tăng xấp xỉ 1,94/%). Nếu 2 tháng tới cũng tăng với mức này, thì cả năm sẽ tăng 9,66%! Do vậy, chưa thể lơ là với lạm phát.
Cafeland.vn - Theo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland