Tại buổi Hội nghị BĐS 2015 với chủ đề “Cơ hội đầu tư nửa thập niên tới” vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường BĐS tiếp tục có những chuyển biến tích cực, thanh khoản tăng đáng kể, chưa thấy dấu hiệu của bong bóng BĐS quay trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp lẫn nhà quản lý vẫn nên cẩn trọng với hiện tượng này.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp, trong các tháng đầu năm 2015, thị trường BĐS tiếp tục có những chuyển biến tích cực với lượng giao dịch tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014 với khoảng 8.000 giao dịch ở cả 2 TP lớn Hà Nội và TPHCM trong quý I. Đáng chú ý, không chỉ phân khúc căn hộ bình dân, phân khúc trung và cao cấp có vị trí tốt cũng đắt hàng, thanh khoản tăng, tồn kho của thị trường giảm đáng kể (khoảng 40%).

Nhu cầu đối với thị trường BĐS cũng đang tăng, thể hiện ở sự quan tâm của rất đông khách hàng tại các dự án đang chào bán. Trong năm 2015 dự kiến khoảng 13.000 căn hộ tại Hà Nội và 22.000 căn hộ tại TPHCM được đưa ra thị trường. Đồng thời, thị trường có thể hấp thụ từ 65.000-100.000 căn hộ trong vòng 5 năm tới do cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, thu nhập của người dân đang tăng lên. Cùng với đó, thị trường đang nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ như sự hồi phục của nền kinh tế, sự phát triển của hệ thống hạ tầng và giao thông tại các đô thị lớn, sự quan tâm của người mua nhà và các nhà đầu tư BĐS quay trở lại, các thay đổi từ chính sách quản lý nhà ở… Điều này đang góp phần rất lớn trong việc gia tăng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân.

Ông Nguyễn Nam Sơn, chuyên gia tư vấn đầu tư, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners, nhận định Luật Sở hữu nhà ở dành cho người nước ngoài đã có tác động tích cực vào thị trường BĐS phân khúc trung và cao cấp. Với thị trường trong nước, xu hướng đầu tư mua thêm căn nhà thứ 2, thứ 3 đang quay trở lại. Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cũng đánh giá việc nhiều thay đổi về luật trong lĩnh vực BĐS có hiệu lực vào tháng 7 tới sẽ tác động tích cực lên thị trường BĐS Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường BĐS vẫn còn nhiều rủi ro. Chẳng hạn, tăng trưởng công nghiệp - xây dựng chậm lại trong thời gian qua khi tỷ lệ đô thị hóa chưa tới 40% đã đặt ra những nghi vấn về một ngành BĐS - xây dựng “chưa giàu đã già”. Chưa hết, khi đặt thị trường này vào mối tương quan với kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính mới thấy những thách thức rất lớn cho BĐS từ rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô, vấn đề nợ công, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng… Vì vậy, bên cạnh việc thị trường hấp dẫn trong thời gian tới cũng cần cẩn trọng để giám sát rủi ro, đề phòng bong bóng BĐS quay trở lại.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý Quỹ Jen Capital, cho rằng thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư nhảy vào rồi đẩy giá lên để kiếm lời, sau đó rút lui. Nhưng thị trường hiện nay đã khác, nhà đầu tư nước ngoài muốn phát triển dài hơi hơn.

“Phải hết sức đề phòng tình trạng bong bóng có khả năng quay trở lại vì nhiều lý do. Nếu tình trạng đầu cơ có thật và nhà đầu tư tiếp tục đẩy giá bán nhà, những người có nhu cầu mua nhà thật sự sẽ quay lưng. Chúng ta hãy cùng đợi cho đến cuối năm nay, khi đó mới biết được thị trường có phát triển bền vững hay không, hay chỉ là sân chơi của giới đầu cơ” - ông Trân nói.

La Thảo (Sài gòn Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.