08/04/2022 8:20 PM
Quảng cáo và rao bán nhà đất khi dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa đủ điều kiện giao dịch hay thậm chí là lợi dụng mạng xã hội để “thổi giá” gây sốt ảo diễn ra khá rầm rộ thời gian qua.

Lâm Đồng từng 'nóng' với việc hiến đất làm đường rồi phân lô, bán nền quảng cáo trên mạng xã hội là dự án bất động sản

Sử dụng và lợi dụng

Việc sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, thông tin dự án bất động sản với nội dung trung thực là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, khi từ “sử dụng” biến thành “lợi dụng” để thông tin dự án bất động sản không đúng sự thật nhằm trục lợi trên các trang mạng xã hội là điều cần phải suy ngẫm.

Ngày 7/4/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phát đi thông tin cảnh báo về chiêu trò “thổi giá đất lên cao, gây sốt ảo” từ các nhóm người có chủ ý để trục lợi.

Theo đó, thời gian gần đây, xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo, nhất là địa bàn nông thôn ở các tỉnh, thành cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nhằm mục đích trục lợi.

Thủ đoạn mà nhóm người này sử dụng là tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.

Nhóm người này đưa lên mạng xã hội hình ảnh về nhu cầu, lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo. Họ làm giá bằng cách mua đi bán lại với nhau, với chiêu trò giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày hôm trước nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày để trục lợi từ việc mua bán đất đai.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều, dẫn đến người cuối cùng có tham vọng đầu tư kiếm lời nhầm tưởng giá đất sẽ tăng từng ngày nên mua vào với giá đất rất cao, không đúng với giá trị thực tại thời điểm giao dịch.

Trong đó có không ít người dân địa phương thậm chí bán đất đi với giá thấp rồi mua lại đất khác, có khi mua lại chính lô đất mình đã bán đi với giá cao hơn vì nghĩ sẽ kiếm được tiền chênh lệch khi giá đất tăng lên từng ngày.

Tuy nhiên, sau thời gian ngắn bằng nhiều chiêu trò để tạo cơn sốt ảo rồi sau đó nhóm người này rút lui khỏi địa bàn thì giá đất lại trở về với giá trị thật của thị trường và theo nhu cầu thực.

Bên cạnh việc lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật nhằm gây sốt đất ảo để trục lợi như nêu trên, thì thực trạng quảng cáo, thông tin rao bán sản phẩm bất động sản trên mạng xã hội khi dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa đủ điều kiện giao dịch vẫn diễn ra phổ biến trong thời gian vừa qua.

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đã phát đi cảnh báo về việc rao bán sản phẩm dự án 'ma' với tên gọi Khu đô thị biển Oriana Risedence – Phú Yên.

Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay có một số đơn vị, cá nhân (các công ty môi giới bất động sản, nhân viên giao dịch bất động sản,... không rõ pháp nhân) thông qua các phương tiện truyền thông như các trang mạng Zalo, Facebook,…để giới thiệu thông tin và chào bán sản phẩm dự án Khu đô thị biển Oriana Risedence – Phú Yên .

Sau khi rà soát, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa chấp thuận đầu tư dự án nào có tên Khu đô thị biển Oriana Risedence – Phú Yên . Vì vậy, mọi thông tin trên các trang mạng liên quan đến dự án nêu trên đều không đúng với quy định pháp luật.

Hay trước đó, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ thực trạng về lợi dụng chủ trương hiến đất làm đường để phân lô, bán nền tại thành phố Bảo Lộc. Cụ thể, nhiều hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư hạ tầng (như mở đường, dựng trụ điện) nhằm mục đích phân lô, tách thửa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc.

Đặc biệt là trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin, quảng cáo về các dự án bất động sản, nhưng thực chất đây là do một số môi giới bất động sản tự đặt tên và đăng tin quảng cáo nhằm thu hút người mua. Trên thực tế, các “dự án” này không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Ai quản lý, giám sát?

Những tháng đầu năm 2022, nhiều địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường về công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn.

Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, các trang mạng xã hội để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất động sản chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chưa đảm bảo các điều kiện giao dịch trên thị trường.

Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư các dự án bất động sản, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản thực hiện công tác thông tin quảng cáo dự án phù hợp với quy định của pháp luật.

Tương tự, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp thông tin, phổ biến rộng rãi các dự án đã được cấp thẩm quyền cho phép triển khai trên địa bàn tỉnh để người dân biết. Tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo các mạng viễn thông xử phạt và hủy số điện thoại liên lạc các thuê bao rao vặt, quảng cáo bất động sản, thổi phồng sai sự thật.

Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum cho rằng hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân trên nền tảng mạng xã hội gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường bất động sản của địa phương.

Vì vậy, sở kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân trên nền tảng mạng xã hội.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.