27/07/2022 8:05 PM
Mạng xã hội là môi trường rất tốt để người mua và người bán tìm đến với nhau trong giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, bên cạnh việc sử dụng những tiện ích mang lại từ mạng xã hội để mua bán nhà đất thì cũng đã có không ít trường hợp cò đất dùng mạng xã hội để ‘thổi giá đất’ nhằm thu lợi bất chính.

Ảnh cắt ra từ clip sốt đất ảo tại Quảng Trị được lan truyền trên mạng xã hội facebook

Những cơn sốt ảo

Từ đầu năm 2022 đến nay, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã liên tục xảy ra những cơn sốt đất… trên mạng xã hội!

Chẳng hạn như thời điểm tháng 3/2022, mạng xã hội Facebook liên tục chia sẻ một clip mua bán đất tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) khiến nhiều người xôn xao.

Từ nội dung clip có thể thấy, hàng chục người cùng xe ô tô, xe máy đậu kín con đường bê tông nhỏ bên cạnh khu đất được san phẳng nằm sâu trong 1 khu vực đồi núi. Xung quanh khu đất này là rừng cây và lăng mộ. Khu đất cũng được cắm mốc bằng bê tông, đánh số thứ tự từ 1 đến 12.

Trong clip, giọng người môi giới liên tục hô số lô rồi dừng lại để chờ người chốt. Tiếp đó, cứ vài phút người đọc lại ra giá, cao nhất là 790 triệu đồng/lô và thấp nhất là 650 triệu đồng/lô. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ 12 lô đất đã nhanh chóng có khách chốt.

Trước những xôn xao từ dư luận xung quanh clip nêu trên, UBND huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã khẩn trương vào cuộc xử lý.

Tương tự, tại thành phố Đà Nẵng cũng đã xảy ra tình trạng sốt đất ảo từ những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, buộc chính quyền thành phố phải khẩn trương vào cuộc chỉ đạo xử lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo, nhất là địa bàn nông thôn ở các tỉnh, thành cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nhằm mục đích trục lợi.

Thủ đoạn mà nhóm người này sử dụng là tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai tại huyện Hòa Vang.

Bên cạnh đó còn có thủ đoạn đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo nên làn sóng gây sốt ảo về nhu cầu nhằm làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người này với nhau.

Thực tiễn nêu trên đã để lại nhiều bài học quý báu cho các nhà đầu tư ‘nhẹ dạ, cả tin’, đồng thời cũng đã gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường bất động sản của các địa phương.

Tại Báo cáo số 40/BC-SXD, Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum cho rằng hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân trên nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường bất động sản của địa phương.

Do đó, Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum kiến nghị Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng có hướng dẫn địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân trên nền tảng mạng xã hội.

Lâm Đồng đã và đang tích cực vào cuộc xử lý các thông tin đăng tải không đúng trên mạng xã hội về bất động sản (ảnh minh họa)

Việc xử lý sai phạm gặp phải khó khăn gì?

Ngày 20/7 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu kiểm tra, xử lý các hành vi đăng tải thông tin không đúng về ‘sốt đất’ nhằm đẩy giá lên cao trên mạng xã hội.

Tỉnh này đã giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật về dự án bất động sản. Cùng với đó là hành vi đăng tải thông tin không đúng về sốt đất để đẩy giá đất lên cao trên mạng xã hội.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc kiểm tra và và xử lý tình trạng một số tổ chức, cá nhân mở bán, huy động vốn khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, huy động vốn ‘lách luật’ thông qua các hình thức ‘hợp đồng đặt cọc’, ‘hợp đồng giữ chỗ’.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2022, đã phát hiện hơn 100 trường hợp vi phạm và đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 tổ chức và 7 cá nhân.

Qua công tác rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về thông tin điện tử liên quan đến quảng cáo, đăng tin sai sự thật về các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã gặp một số khó khăn vướng mắc có liên quan.

Cụ thể là việc xác định danh tính chủ sở hữu website, Fanpage, tài khoản Facebook gặp nhiều khó khăn do tài khoản không xác thực danh tính và không để lại nhiều thông tin có thể tìm ra chủ sở hữu thực.

Bên cạnh đó, đa số các quảng cáo, thông tin sai sự thật được thực hiện bởi các chủ thể ở địa bàn ngoài tỉnh. Trong đó phổ biến là các công ty bất động sản và các công ty quảng cáo tại thành phố Hà Nội và TP.HCM, không có văn phòng đại diện tại Lâm Đồng.

Theo đó, các công ty này xây dựng website, Fanpage cho nhân viên chạy quảng cáo rao bán đất tại Lâm Đồng. Trong khi đó, nhân viên không thường trú hay tạm trú tại Lâm Đồng mà khi có khách hàng thì nhân viên mới lên dẫn khách đi, tư vấn qua điện thoại hoặc nhờ người quen dẫn khách đi.

Đến khi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng xác định được chính xác thông tin chủ sở hữu website, Fanpage, Facebook thì không thể trực tiếp xử lý mà phải phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh liên quan xử lý.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.