Cận Tết, các chủ đầu tư tiếp tục giảm giá từ 10 đến 30%, đặc biệt phân khúc chung cư cao cấp cũng không thể ngồi yên trong làn sóng kích cầu, sale off để giải quyết hàng tồn ế.

Khuyến mại, giảm giá nhiều dự án. Ảnh minh hoạ.

Mặt bằng giá mới

Dần tiếp cận gần hơn với nhu cầu thực của khách mua, hầu hết các dự án bất động sản đang triển khai đều có kế hoạch giảm giá, thậm chí còn kèm thêm các hình thức khuyến mãi như du lịch nước ngoài, chỗ để xe ô tô, hỗ trợ phí bảo trì.

Việc giảm giá đã thiết lập một mặt bằng giá thấp hơn và khá tương đồng giữa các dự án có cùng điều kiện. Các dự án ở khu vực Hà Đông như CT6 Xa La, Westa Mỗ Lao giá chỉ còn từ 14 – 16 triệu/m2, đặc biệt Unimax Hà Đông chỉ còn 13 triệu đồng/m2 (so với trước đây là 18 – 20 triệu/m2). CT3 The Pride (Lê Văn Lương kéo dài) giảm giá tới 30%, từ 25 -27 triệu/m2 còn 18 triệu/m2.

Mức giảm 10% - 15% là khá phổ biến. Trong vòng 3 tháng cuối năm 2012, có thể ghi nhận ở một số dự án như Tây Hồ Residence CT2A, Hà Đô Park View (Cầu Giấy) còn khoảng 23 triệu/m2; Trung tâm Thương mại Chợ Mơ còn 25 triệu đồng/m2.

Gây được nhiều sự chú ý hơn cả là ở phân khúc căn hộ cao cấp, vốn luôn giữ thái độ “phục vụ cho tầng lớp thượng lưu” cũng bắt đầu những chiến dịch marketting “khủng” mà điểm nhấn không cách nào khác là giảm giá bán.

Tọa lạc tại vị trí “vàng” của Thủ đô, Mandarin Garden (Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám) được chào bán vào cuối năm 2011 với giá 45 triệu đồng/m2. Chỉ hơn 1 năm sau, chủ đầu tư Tập đoàn Hòa Phát đã công bố giá mới chỉ còn 29 triệu đồng/m2 (chưa nội thất) và 35 triệu đồng/m2 (đã bao gồm nội thất), mức giảm lên tới 35%.

Sang trọng hơn, như D.Palais de Louis (Cầu Giấy) với slogan "Kiệt tác vượt thời gian", khách hàng mua các căn hộ phong cách “đế vương” ở đây được vay tiền với lãi suất 0% và được tặng chỗ để ô tô vĩnh viễn.

Kích cầu

Tung đủ “chiêu” để lôi kéo sự chú ý của khách hàng nhưng khi túi tiền ngày càng trở nên eo hẹp thì việc giảm giá chính là cách kích cầu hiệu quả nhất cho thị trường bất động sản.

Nhiều dự án áp dụng khung giá mới cho cả những khách hàng cũ đã ký mua căn hộ trước đây. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, đại diện chủ đầu tư dự án Nam Đô Complex (Trương Định), dự án vừa giảm giá mới đây cho biết: “Việc giảm giá ngoài thu hút thêm khách hàng mới còn là cách để chúng tôi chia sẻ khó khăn chung với những khách hàng đã ký mua căn hộ. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng, và bản thân chủ đầu tư cũng thuận lợi hơn trong việc thu phí theo lộ trình”. Đây cũng là một trong những chủ đầu tư từng phản đối quyết liệt việc giảm giá bán.

Tuy nhiên, một số dự án đang gây “khó hiểu” cho cả khách hàng và giới kinh doanh bất động sản bởi thà “dậm chân tại chỗ”, không chịu thay đổi để có khách hàng. Có thể kể đến như Splendora (Vân Canh, Hoài Đức) vẫn chưa hề có một động thái nào để hỗ trợ khách hàng trong thời điểm khó khăn.

  • Lo lắng về tính khả thi của một chủ trương đúng và trúng

    Lo lắng về tính khả thi của một chủ trương đúng và trúng

    Bằng việc ban hành nghị quyết 02 ngày 7.1.2013, Chính phủ chính thức công bố các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng những chính sách này sẽ là “những bếp than hồng” có thể làm ấm lại thị trường bất động sản vốn đang đóng băng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về tính “đi vào đời sống” ở một số giải pháp của nghị quyết này.

  • Nhà cấp phép tạm được hỗ trợ 50%

    Nhà cấp phép tạm được hỗ trợ 50%

    Đó là kiến nghị của Hội đồng Thẩm định bồi thường TP.HCM trong dự thảo sửa đổi Quyết định 35/2010 về bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.