Cận Tết Tân Sửu 2021, hàng loạt khách sạn được rao bán với giá từ hàng chục tỷ đồng đến gần nghìn tỷ đồng, giá "rẻ như cho" sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19

"Ồ ạt" rao bán khách sạn trăm tỷ

Theo khảo sát của PV Dân Việt, dù vào thời điểm cận Tết Tân Sửu 2021, nhưng trên các trang mạng điện tử mua bán nhà đất, xuất hiện hàng loạt thông tin rao bán khách sạn. Tùy từng vị trí, địa phương, giá mỗi khách sạn được rao bán từ vài chục tỷ đồng tới cả gần nghìn tỷ đồng.

Hà Nội và TP.HCM là 2 thành phố có lượng thông tin rao bán dày đặc. Cụ thể: Tại Hà Nội, thông tin rao bán khách sạn cũng khá nhiều, trong đó, tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Giá bán khách sạn tại Hà Nội trung bình từ 500 -700 triệu đồng/m2, cá biệt có những khách sạn ở vị trí đắc địa đang rao bán hơn tỷ đồng/m2.

Thông tin rao bán tại Khách sạn phố cổ trung tâm quận Hoàn Kiếm có diện tích 120m2, cao 12 tầng đang có giá chào bán là 130 tỷ đồng. Giá thuê khách sạn này là tương đương 300 triệu 1 tháng khách thanh toán tiền 1 năm.

Giáp Tết vẫn dày đặc thông tin rao bán khách sạn trăm tỷ - Ảnh 1.

Tràn ngập thông tin rao bán khách sạn trên các sàn môi giới bất động sản. (ảnh chụp màn hình)

Tương tự, khách sạn 3 sao phố Lương Ngọc Quyến ở quận Hoàn Kiếm có diện tích 307m2 có 38 phòng kinh doanh đang có giá 205 tỷ đồng.

Tương tự, tại TP.HCM, thông tin rao bán khách sạn từ chục tỷ cho đến vài trăm tỷ đồng cũng rất lớn. Điển hình như, khách sạn 3 sao, có vị trí mặt tiền đường Phạm Hồng Thái, Chợ Bến Thành, Quận 1 có diện tích hơn 300m2, cao 13 tầng, 75 phòng có giá bán 400 tỷ đồng. Hợp đồng thuê khách sạn là 7,5 tỷ/năm và buộc phải ký dài hạn.

Hay Khách sạn 4 sao mặt tiền đường Lý Tự Trọng, Bến Thành, Quận 1 có diện tích sử dụng 3000m2, 1 hầm 10 tầng nổi, 90 phòng đang có giá cao 900 tỷ đồng; Khách sạn đường Thi Sách, phường Bến Nghế, có diện tích 500m2, cao 16 tầng đang rao bán giá 700 tỷ đồng.

Bên cạnh 2 thành phố lớn trên, tại Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hoà), Quy Nhơn (Bình Định)… đang cũng có nguồn cung khách sạn lớn đang được rao bán. Đơn cử như, thông tin "bán khách sạn 4 sao mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đăng ngày 23/1 vừa qua, có giá bán 450 tỷ đồng.

Công suất, giá thuê khách sạn giảm sâu

Báo cáo mới đây của Savills cho biết, thị trường khách sạn tại TP.HCM có nguồn cung có hơn 15.200 phòng từ 111 dự án, giảm 5% theo năm.

Trong năm 2020, một dự án mới đã khai trương 280 phòng. Một số khách sạn TP.HCM với hơn 3.600 phòng đóng cửa tạm thời khiến nguồn cung đạt mức thấp nhất. Trong nửa cuối năm, hơn 30% đã mở cửa trở lại. Thị trường có 14 khách sạn ở tất cả các hạng đã vận hành như cơ sở cách ly nhằm cải thiện công suất.

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hàng loạt khách sạn ở Hà Nội phải giảm giá thuê.

Với hơn 1.400 phòng tiếp tục đóng cửa tạm thời, nguồn cung tương lai tăng trưởng không chắc chắn. Tuy nhiên, các dự án mới sẽ vẫn đảm bảo tiến độ và đến 2023, hơn 2.900 phòng từ 16 dự án mới sẽ tham gia thị trường, 80% trong số đó nằm tại Quận 1.

Công suất quý IV/2020 của thị trường khách sạn đạt 20%, tăng 7 điểm phần trăm theo quý, trong khi giá phòng trung bình đạt 61USD/phòng/đêm, tăng 13% theo quý. Các khách sạn cách ly có công suất đạt trên 80% và mức giá phòng bao gồm ba bữa ăn và các dịch vụ kiểm tra y tế cao hơn mức giá phòng trung bình của hạng lên đến 49 phần trăm.

Năm 2020, lượng khách quốc tế đến TP.HCM chỉ đạt 1,3 triệu, giảm 85% theo năm, trong khi lượng khách nội địa là 15 triệu khách giảm 54% theo năm. Công suất trung bình giảm 44 điểm phần trăm theo năm trong khi giá phòng trung bình giảm 19% theo năm.

Cũng theo Savills, công suất thị trường khách sạn tại Hà Nội quý IV chỉ đạt 33%, tăng 12 điểm % theo quý nhưng giảm 42 điểm % theo năm. Giá thuê phòng trung bình đạt 70 USD/phòng/đêm, giảm 5% theo quý và 39% theo năm.

"Công suất trung bình cả năm 2020 giảm 44 điểm % theo năm trong khi giá thuê trung bình giảm 29% theo năm. Phân khúc khách sạn 5 sao vẫn dẫn đầu thị trường về doanh thu buồng phòng trung bình với 35 USD/phòng/đêm, phân khúc 4 sao đạt 15 USD/phòng/đêm trong khi phân khúc 3 sao chỉ đạt 9 USD/phòng/đêm", thống kê Savills.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong năm 2020, du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Theo đó, hiệu quả kinh doanh ngành du lịch trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa… khiến bất động sản nghỉ dưỡng năm qua kém hiệu quả trong việc thu hút đầu tư.

Thống kê từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lượng căn hộ khách sạn (condotel) bán trên thị trường sản phẩm chủ yếu là hàng tồn với hơn 18.000 sản phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường giao dịch condotel gần như đóng băng. Nhưng đến quý IV/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số dự án đã bắt đầu giao dịch nhưng lượng giao dịch không đáng kể, cả năm giao dịch khoảng 120 sản phẩm.

  • Hà Nội xử cao ốc biến văn phòng thành căn hộ khách sạn không phép

    Hà Nội xử cao ốc biến văn phòng thành căn hộ khách sạn không phép

    Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng chủ cao ốc văn phòng tại số 115 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã ngang nhiên tiến hành cải tạo, xây ngăn thành căn hộ khách sạn. Trước hành vi này, UBND quận Hoàn Kiếm có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với chủ đầu tư công trình.

Minh Khôi (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.