05/10/2019 8:13 PM
Trước vấn nạn tín dụng đen gây nhức nhối trong xã hội, thời gian qua, Chính phủ rất quyết liệt khi ban hành các văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành mở rộng tín dụng, tăng cường đáp ứng nhu cầu vay chính đáng của người dân và đẩy lùi tín dụng đen.

Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, từ đầu năm 2019, để mở rộng các hình thức cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng góp phần hạn chế tín dụng đen, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: Khảo sát tại một số địa phương để nắm bắt nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng của người dân; tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen tại Gia Lai.

Song song với đó, NHNN đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội để phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen; Họp với các tổ chức chính trị xã hội nhằm tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng nhằm hạn chế tín dụng đen; Ban hành Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế tín dụng đen... Đến cuối tháng 8/2019, tín dụng cho vay phục vụ đời sống tăng hơn 14% so với cuối năm 2018.

Lãnh đạo Agribank cho biết, đến thời điểm này, doanh số cho vay của gói cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đạt 3.791,348 tỷ đồng, hiện 79.098 khách hàng còn dư nợ 1.667,328 tỷ đồng. Gần 50% khách hàng vay vốn trả được nợ sau thời gian ngắn khi thu xếp được tài chính gia đình.

Mặc dù hạn mức món vay không quá 30 triệu đồng nhưng theo đánh giá của chuyên gia ngân hàng việc có thể đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa rất quan trọng khi dần xóa bỏ tâm lý e ngại vay vốn ngân hàng vì những rào cản về thủ tục vay vốn. Đây cũng chính là yếu điểm mà đối tượng cho vay nặng lãi thường khai thác để đưa người dân thiếu hiểu biết rơi vào bẫy của tín dụng đen.

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, một trong những lý do mà nhiều người Việt ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tín dụng đen luôn bủa vây, chủ động tìm đến người dân và cho vay lại quá dễ dàng (với những cái bẫy được giăng sẵn).

Hiện tại, theo đánh giá của TS. Lực với mức tăng trưởng tín dụng cho vay phục vụ đời sống trong đó có cho vay tiêu dùng ở mức 14% là bình thường, nên để tăng đến 20 - 25%. Bởi lĩnh vực này còn nhiều dư địa để tăng trưởng với cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng cho sinh hoạt hàng ngày gia tăng...

Xét ở một góc độ nào đấy, tín dụng tiêu dùng góp phần thúc đẩy tiêu dùng, qua đó đóng góp vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này là không hề nhỏ do các khoản vay thường là tín chấp hoặc có tài sản bảo đảm giá trị thấp. Chưa kể, trong số người vay có nhiều người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, khả năng trả nợ thấp.

Muốn giảm thiểu rủi ro đối với cho vay tiêu dùng, theo đề xuất của TS. Cấn Văn Lực, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính, với mô hình cho vay mới như Fintech, cho vay ngang hàng… Đồng thời củng cố hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và tài chính vi mô. Đặc biệt, phải bóc tách cho vay mua nhà ở ra khỏi cho vay tiêu dùng để quản lý minh bạch, công bằng hơn về mức độ rủi ro.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cho phép chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các bên công ty bán lẻ với tài chính tiêu dùng và ngân hàng để bớt đi thủ tục, giấy tờ; thúc đẩy nhận diện định danh khách hàng bằng các công cụ sinh trắc học để tiết giảm thủ tục hành chính, chi phí…

“Làm được điều này giúp tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, minh bạch, hiệu quả hơn giảm tệ nạn tín dụng đen và các hệ lụy xã hội đi kèm”, ông Lực nhấn mạnh.

Khẳng định quyết liệt thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy lùi tín dụng đen, NHNN đã có nhiều giải pháp đồng bộ, yêu cầu các NHTM điều chỉnh có các sản phẩm phù hợp, giảm thủ tục hành chính trong cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng là hoàn toàn đúng đắn.

Nhưng theo quan điểm của TS. Nguyễn Đức Độ - Học viện Tài chính, việc này không dễ dàng đối với ngân hàng, bởi khi cho vay ngân hàng phải có trách nhiệm với đồng vốn của họ. “Họ không thể cho vay rồi để mất vốn và họ luôn phải chịu trách nhiệm với người gửi tiền, với cổ đông... Ngân hàng rất sợ nợ xấu. Tôi đồng ý họ có thể mở rộng tín dụng nhưng không thể rộng tay một cách quá mức và nó vẫn là cửa hẹp”, TS. Độ chia sẻ quan điểm.

Chung quan điểm, một chuyên gia ngân hàng đánh giá cao những giải pháp từ phía NHNN cũng như các NHTM trong việc đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, theo vị này, những biện pháp này sẽ chỉ hạn chế được phần nào đó hoạt động của tín dụng đen. Một mình tín dụng ngân hàng để loại bỏ hoàn toàn hoạt động này là không thể. Vì thực tế cho thấy, mục đích vay tiền của người dân không phải lúc nào cũng chính đáng và hợp pháp.

“Theo quy luật cung – cầu, ở đâu có cầu tất yếu sẽ có cung. Cuộc chiến đẩy lùi “tín dụng đen” vẫn còn cam go, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ ngành và toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành Ngân hàng”, vị này nhấn mạnh.

Huyền Thanh (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.