Báo động đỏ liên tiếp phát đi từ các KTT len lỏi trong nội đô. Với nhiều lý do khách quan, chỉ số ít trong đó được cơ quan chức năng tiến hành tháo gỡ bất cập. Dẫu vậy, lực hút của sản phẩm "truyền thống" này vẫn rất mạnh, nhất là những người "bí" tiền.
Nguy hiểm, chẳng "chết" ai!
Đó là bình luận thẳng thừng của cặp vợ chồng trẻ Tùng - Thư, khi được hỏi về nguy cơ mất an toàn rình rập tại KTT Kim Liên. Gia đình trẻ, đều làm công việc hưởng thu nhập theo thời vụ, lại chưa vướng bận con thơ là lý do đầu tiên khiến Tùng thuyết phục vợ tìm mua loại hình BĐS đặc thù này.
Sau nhiều tháng săn lùng và loại bớt những công trình bị cơ quan chức năng công khai đích danh "nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp", hai vợ chồng đã "chấm" khu Kim Liên với điểm cộng như sau: giá rẻ hơn so với các khu cùng loại, vị trí trung tâm, không lo chỗ để xe và tiện ích xã hội như nhà trẻ, siêu thị, chợ truyền thống, nơi giải trí đều… hoàn hảo.
"Diện tích sử dụng trên 45m2, sổ đỏ 30,8m2. Giá 1,5 tỷ đồng có thương lượng. Đây rõ ràng là hàng hiếm trong vô khối KTT khác có giá tròm trèm 2 tỷ đồng", chị Thư, một nhân viên kinh doanh ngành vật liệu xây dựng tự tin cho biết.
Không cẩn trọng như trường hợp nêu trên, là kế hoạch mua căn hộ tập thể cũ của Nghĩa, hiện đang làm hướng dẫn viên du lịch cho một đơn vị lữ hành chuyên tour "ngoại".
Vị khách hàng tương lai của KTT E2 Thái Thịnh (quận Đống Đa) tỏ ra "thoáng" trong thang điểm lựa chọn chốn an cư tại Hà thành: "Khoảng 2 năm nữa tôi mới lập gia đình, đặc thù nghề nghiệp là di chuyển nhiều nên thời gian ở nhà tương đối ít. Chủ nhà phát giá 1,3 tỷ đồng cho căn hộ sổ đỏ 31m2, nhưng có thể cơi nới tới 43m2 (!) nên… khá hời. Nguy cơ sụp đổ công trình tại đây cũng chẳng khủng khiếp như nhiều người vẫn nói(?!).
Tiếp tục một câu chuyện mua đồ cổ (để chỉ tập thể cũ) khác tại quận Thanh Xuân. Trở lại quán giải khát "quen" tại vỉa hè đường Vũ Trọng Phụng, người viết được biết: căn nhà tập thể cũ của chủ nhân (cũng là chủ quán) vốn là "ác mộng" vào mùa mưa, đã được khách mua "đặt cọc".
Lực hút của sản phẩm "truyền thống" này vẫn rất mạnh
Cụ thể, cứ tới mùa mưa, căn tầng 1 tại KTT Thiết bị điện ảnh (44 Vũ Trọng Phụng) lại "hành" chủ nhân, vì nước tự do tràn vào nhà. Chưa nói tới chuyện các hạ phần khác xuống cấp ọp ẹp ra sao, riêng thảm kịch "ngập" đã khiến chủ nhân kinh hãi mỗi khi hè về. "May thay, một đôi vợ chồng trẻ đã "chấm" và đặt cọc căn nhà này", bà H. phấn khởi cho biết.
Khảo sát ngẫu nhiên 10 trường hợp người mua căn hộ tập thể cũ trong nội đô lịch sử, hầu như những cư dân mới tại cộng đồng "xưa cũ" đều đồng quan điểm vị trí địa lý là tiêu chí quan trọng bậc nhất. Tiếp đó, tùy theo hầu bao, khả năng chủ động tài chính, từng "Thượng đế" sẽ hạ dần đòi hỏi về "trung tâm".
Những tiêu chí "bất thành văn"
Nói như anh Bằng, người vừa mua 1 căn diện tích sử dụng tới 55m2 tại KTT đối diện Royal City hồi tháng 8, ai cũng thích trung tâm. Nhưng nhiều tiền (từ 1,6 tỷ trở lên) mới mong mua ở trung tâm đúng nghĩa như Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy. Còn eo hẹp thì tìm được căn "tốt" (có diện tích cơi nới đủ sống; chưa nguy hiểm khẩn cấp di dời; sổ đỏ chính chủ) ở Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông cũng gian nan lắm.
Trong danh sách lựa chọn mua của lực lượng khách hàng tiềm năng này (đa phần là người trẻ), những KTT cũ như C8 Giảng Võ, Nguyễn Công Trứ đều bị loại bỏ, vì an nguy tới tính mạng đã quá rõ (tới mức Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải di dời hộ dân ngay trong tháng 9).
Còn lại, chỉ cần lượng cư dân sinh sống đông đúc, ít tắc đường, gần chợ dân sinh, trường công lập, là được người cần nhà "đánh dấu". Tiêu biểu là các KTT: Kim Liên, Thanh Xuân Bắc, C1 Thành Công, Học viện Quân Y, Láng Hạ…
Chưa hết, đối với những "Thượng đế" có tâm lý "ham rẻ", chỉ cần chủ nhà ưu đãi tặng lại chút ít đồ nội thất hoặc vật gia dụng là giao dịch gần như đã thành công.
Đơn cử trường hợp căn tập thể tầng 2, diện tích sử dụng ngót 100m2, tại KTT tiệm cận chợ Hoa Bằng (quận Cầu Giấy). Bất chấp những ưu điểm như diện tích cơi nới rộng (sổ đỏ chưa tới 40m2), ngõ vào nhà đủ ôtô 7 chỗ đỗ, gần chợ, trường cấp 1, cấp 2, sân chơi tập thể rộng…, căn nhà vẫn "ế" sau nhiều tháng trời rao bán. Tuy nhiên, sau khi được bạn bè tư vấn, chủ nhân đã có khách đặt tiền nhờ chiêu "khuyến mãi".
Cũng giống như chung cư thương mại bây giờ, người mua rất thích cảm giác được mua rẻ. "Thế nên, với phương án tặng người mua toàn bộ nội thất như điều hòa, giường tủ, bếp âm, salon… tôi đã chốt được giao dịch với 1,7 tỷ đồng. Một mức giá đáng kỳ vọng trong thời buổi BĐS khó khăn như bây giờ", vị chủ nhà trung niên phấn khởi chia sẻ.
-
Một quận Hà Nội muốn xây 3 toà cao ốc trên nền 5 nhà tập thể cũ
Tối 6.3, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư Thành Công gồm các tòa: G6A, G6B, G22, G23, G24 (phường Thành Công). Trong đó, toà G...
-
Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ
Trong phiên thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi sáng 27.11, đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư vào các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay....
-
Những điều cần biết trước khi mua chung cư
Chung cư đang dần trở thành lựa chọn được nhiều người có nhu cầu định cư tại các thành phố lớn ưa chuộng, phần lớn vì mức giá phù hợp hơn so với việc mua nhà mặt đất. Do đó, số lượng dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều, và điều này cũng khiến nhiề...