CafeLand – Mặc dù có vị trí đắc địa khi nằm trong vùng lõi khu đô thị Thủ Thiêm, nhưng 3.790 căn hộ tái định cư Bình Khánh phải bán đấu giá lần 2 vì không có ai mua. Nhiều doanh nghiệp “bó tay” bởi tổng giá trị những căn hộ này lên tới gần 10.000 tỉ đồng. Nhiều người thắc mắc tại sao không “chẻ” nhỏ số lượng căn hộ cho để bán. Lúc đó, không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng có cơ hội tham gia.

Toàn cảnh khu tái định cư Bình Khánh tại Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM

Chê tái định cư đất vàng?

Sau lần đấu giá đầu tiên không có người mua, đầu tháng 11 vừa qua, 3.790 căn hộ thuộc khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) lại tiếp tục được đề nghị đem ra đấu giá lần 2.

Cụ thể, UBND TP.HCM đã có văn bản chấp thuận cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đấu giá lần 2 quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất đối với khu chung cư R1, R2, R3, R4, R5 với tổng số 3.790 căn hộ tại phường Bình Khánh, quận 2.

Đây là những căn hộ thuộc chương trình xây dựng khu tái định cư 12.500 căn Thủ Thiêm.

Trên cơ sở thẩm định giá theo giá thị trường vào thời điểm tháng 7/2018, Sở Tài chính đã báo cáo kiến nghị UBND TP xem xét, phê duyệt phương án giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất với tổng giá trị khoảng 9.936 tỉ đồng. Trong 3.790 căn hộ đem đấu giá lần này, có 2.200 căn do Công ty Thuận Việt xây dựng và 1.590 căn do Công ty Đức Khải xây dựng.

Theo quy định, doanh nghiệp khi tham gia đấu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm. Nếu đơn vị trúng đấu giá thì trong vòng 1 tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong tình hình thị trường bất động sản đang thiếu hụt nguồn cung như hiện nay, số lượng 3.790 căn hộ tái định cư là sự bổ sung cần thiết. Đặc biệt, những căn hộ này càng có giá khi vị trí của nó nằm trong vùng lõi của khu đô thị Thủ Thiêm. Tuy nhiên, với cách đấu giá “cả cụm” như hiện nay là một thách thức khiến các doanh nghiệp phải chùn tay.

Ông Trần Khánh Quang, một chuyên gia bất động sản, cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến không doanh nghiệp nào tham gia đấu giá là bài toán tài chính. Với mức ký quỹ 20%, đơn vị tham gia đấu giá phải bỏ ra hơn 1.800 tỉ đồng, rồi 3 tháng sau phải nộp ít nhất khoảng gần 7.000 tỉ đồng nữa là điều không dễ với hầu hết các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Do đó, vị chuyên gia này kiến nghị nên chăng cần cân nhắc việc “chẻ” nhỏ các gói để số tiền phải ký quỹ, thanh toán sẽ nhẹ nhàng hơn, ít áp lực hơn, mới hy vọng lần đấu giá tiếp theo có kết quả khả quan hơn.

Chia nhỏ cho dễ bán

Thay vì bán cả gói thì nên chia nhỏ số lượng nhà tái định cư để bán?

Sau một vòng tham quan khu tái định cư Bình Khánh, anh Huy (ngụ quận Thủ Đức) nhẩm tính, nếu lấy tổng số tiền gần 9.936 tỉ chia cho 3.790 căn hộ thì giá một căn hộ đâu đó khoảng gần 2,5 tỉ đồng/căn. Mức giá này lúc đầu nghe khá cao nhưng nếu nhìn vào vị trí, tiện ích, hạ tầng nội khu nằm trong đô thị Thủ Thiêm thì nó lại “hời” so với nhiều dự án khác. Do đó, nếu chẻ nhỏ số lượng căn hộ này đem đấu giá công khai cho người dân thì anh Huy tin rằng sẽ nhanh chóng “cháy hàng”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất đông sản TP.HCM (HoREA), cho biết với mức đấu giá lên đến 10.000 tỉ đồng thì rất khó để có một doanh nghiệp nào có thể đứng ra mua hết số lượng căn hộ chung cư này. Thay vào đó, nên chia 3.790 căn tái định cư này thành bốn gói nhỏ khác nhau. Trong đó, có ba gói dành cho doanh nghiệp với khoảng 1.000 căn hộ mỗi gói. Số 790 căn còn lại sẽ được bán đấu giá lẻ từng người dân được tham gia mua.

“Nếu chia nhỏ như vậy thì doanh nghiệp sẽ có khả năng tiếp cận hơn. Còn những người dân họ có nhu cầu mua nhà ở quận 2 cũng có thể tham gia đấu giá”, ông Châu nói.

Trả lời trên báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết thành phố đã có chủ trương bán theo cụm và không chia nhỏ, chỉ khi không bán được mới có thể bán theo từng khối nhà. Với phương thức bán trọn gói hiện nay có thể sẽ giúp thành phố một lần thu được nguồn vốn lớn để dùng vào các chương trình trọng điểm khác thay vì bán lẻ sẽ phải thu quanh năm.

Tuy nhiên, ông Sỹ cũng cho rằng, con số bán đấu giá lên đến gần 10.000 tỉ đồng cũng có thể là nguyên nhân khiến doanh nghiệp còn ngần ngại, không đăng ký tham gia. Do đó, ông ủng hộ quan điểm bán lẻ căn hộ cho cả doanh nghiệp và người dân được tham gia.

Khi bán cho dân thì cũng thực hiện đúng theo quy định pháp luật và theo thị trường, Nhà nước vẫn tính đúng, tính đủ. Thậm chí bán lẻ thì mức giá cũng có thể cao hơn bán sỉ và do đó Nhà nước cũng có thể thu về ngân sách cao hơn. Ngược lại, nếu bán cả cụm thì chỉ có doanh nghiệp tham gia và khi người dân mua lại từ doanh nghiệp có thể phải chịu mức giá cao hơn.

Chủ đề: Tái định cư,
Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.