Nguồn cung nhà ở xa xỉ tăng nóng
Theo CBRE Việt Nam, trong quý 2-2022, thị trường căn hộ TP.HCM có gần 13.000 căn hộ chào bán ra thị trường. Nguồn cung này chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang, không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có thì chỉ một vài dự án nằm ở xa trung tâm.
Trong khi đó, khoảng 5 năm về trước, nguồn cung căn hộ hạng sang rất ít, chỉ chiếm không quá 2% nguồn cung.
Giai đoạn 2021-2022, sau thời gian dài bị nén lại do những vướng mắc về pháp lý và quỹ đất khan hiếm, các chủ đầu liên tục cho ra mắt nhiều dự án. Trong đó có dự án trên mặt tiền đường Tôn Đức Thắng (quận 1) được chào bán với giá khoảng 366 triệu đồng/m2. Hay một dự án khác tại đường Nguyễn Trãi (quận 1) cũng có mức giá dao động khoảng 150 triệu đồng mỗi m2.
Ngoài khu trung tâm, khu vực thành phố Thủ Đức được xem là một địa hạt mới của các dự án hạng sang với hàng loạt như Empire City, The River, Metropole Thủ Thiêm. Giá bán tham khảo cho các căn hộ này giao động khoảng 5.800 USD/m2 đến 7.500 USD/m2.
Một dự án căn hộ hạng sang tại thành phố Thủ Đức. Ảnh: MD
Sự gia tăng các dự án nhà ở phân khúc nhà ở hạng sang làm dấy lên quan ngại rổ hàng phình to, thị trường lệch pha, kém bền vững.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng thị trường bất động sản TP.HCM đã xuất hiện tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường”, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp trong lúc rất thiếu nhà ở bình dân có giá dưới 2 tỉ đồng/căn, thiếu nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân.
Năm 2020, nhà ở bình dân chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 không còn nhà ở bình dân (0%).
Ngược lại, năm 2020 nhà cao cấp chiếm 42%; năm 2021 nhà cao cấp chiếm 74% và trong 6 tháng đầu năm 2022 nhà ở cao cấp chiếm áp đảo đến 80%, còn lại là nhà ở trung cấp. Đáng chú ý, thị trường đã xuất hiện nhà liền thổ giá trên 500 tỉ đồng, căn hộ siêu sang trên 100 tỉ đồng.
Căn hộ được tầng lớp “siêu giàu” ưa chuộng
Dù vậy, giới nghiên cứu thị truờng đánh giá, loại hình bất động sản hạng sang, siêu sang, bất động sản hàng hiệu vẫn có “đất sống” nhờ tệp khách hàng là giới thượng lưu vốn rất ít trong xã hội.
CBRE đánh giá, tiềm năng phát triển của loại hình bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam được đánh giá là khá lớn, với tầng lớp siêu giàu đang và sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Theo khảo sát của Nielsen năm 2013, 56% người Việt Nam tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng chi tiền để mua đồ hiệu. Tỷ lệ này cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc & Ấn Độ.
Loại hình bất động sản hạng sang, siêu sang, bất động sản hàng hiệu vẫn có “đất sống” nhờ tệp khách hàng là giới thượng lưu
Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam, “bất động sản hàng hiệu phong cách sống không chỉ được xem như một loại tài sản mà còn là thước đo thể hiện đẳng cấp của chủ sở hữu.”
Cách đây khoảng 20 năm, những dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên được phát triển gắn liền với các thương hiệu quản lý khách sạn và lấy động lực từ thị trường du lịch có sẵn. Nhưng cục diện đang dần thay đổi. Tầng lớp doanh nhân, thương gia, tỉ phú phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng, sở hữu các mặt hàng xa xỉ ngày càng tăng.
Nắm bắt thời cơ, nhiều nhãn hàng cao cấp đã tham gia vào cuộc cạnh tranh, dẫn đến sự ra đời của bất động sản hàng hiệu phong cách sống. Trên toàn thế giới, nguồn cung của bất động sản hàng hiệu phong cách sống chiếm khoảng 15-20% tổng nguồn cung bất động sản hàng hiệu.
CBRE cho biết, thị trường Việt Nam trong năm 2021 đã chào đón những dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên, thuộc phân khúc siêu sang (giá bán trên 12.000 USD/m2). Dự án Grand Marina Saigon và The Grand Hà Nội có giá bình quân lần lượt là 14.700 và 25.000 USD/m2, đều đạt tỷ lệ bán từ 70% trên số căn đã mở bán.
Theo Wealth-X, tốc độ gia tăng số lượng người giàu (tài sản ròng từ 1-30 triệu USD) tại Việt Nam khoảng 10% trong giai đoạn 2018-2023, thuộc Top 5 quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới. Sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp thượng lưu đã và đang thúc đẩy nhu cầu nâng cao, khẳng định phong cách sống cũng như sở hữu và chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ. Đây chính là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam.
Sức hút của bất động sản hàng hiệu phong cách sống đến từ tính độc nhất, tính kết nối với thương hiệu xa xỉ và giá trị bền vững. Loại hình này đáp ứng cho nhu cầu của giới thượng lưu - những người có nhu cầu khẳng định đẳng cấp và sở hữu hàng hiệu, đặc biệt quan tâm đến phong cách và trải nghiệm sống.
-
Giá căn hộ hạng sang TP.HCM liên tục “phá đỉnh”
CafeLand - Cuối năm 2018, trên thị trường bất ngờ xuất hiện dự án căn hộ trên “đất vàng” quận 1, cách chợ bến thành vài phút đi bộ được chào bán với giá từ 7.000 USD (khoảng 160 triệu đồng)/m2.
-
Giá vé tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM là bao nhiêu?
Người dân di chuyển trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ trả giá vé từ 6.000 – 20.000 đồng tùy theo quảng đường mỗi lượt.
-
Nhà thi đấu nằm trên khu “đất vàng” trung tâm TP.HCM khi nào sẽ khởi công?
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất đắc địa ngay trung tâm TP.HCM nhưng suốt nhiều năm chưa thể khởi công.
-
Con trai cố Chủ tịch DIG nhận hơn 11 triệu cổ phiếu thừa kế, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 12%
Ông Nguyễn Hùng Cường thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG).