28/11/2022 5:43 PM
Phân khúc căn hộ chung cư ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đã xuất hiện các hình thức giảm giá để cải thiện thanh khoản. Tuy nhiên, mức giá sau khi giảm vẫn là một thách thức với người có nhu cầu ở thực.

Giá căn hộ chung cư vẫn được đánh giá quá cao với người có nhu cầu ở thực (hình minh họa)

Không mua nổi nửa căn nhà

Bốn tháng tìm kiếm cơ hội tìm chốn an cư nhưng không có kết quả, anh Thanh Phong (TP.HCM) bắt đầu cảm thấy chán nản.

“Nói là 4 tháng nhưng gần đây tôi mới sắp xếp công việc để đi xem vì nghe tin giảm giá nhiều. Có dự án bảo giảm tận 50% nhưng cuối cùng giá vẫn cao, gom góp tiền 2 vợ chồng cũng không mua nổi nửa căn nhà”, anh Phong chia sẻ.

Anh Phong tham khảo trên trang nhà đất trực tuyến thì biết một dự án ở TP.Thủ Đức đang có mức chiết khấu lên tới 49%. Anh liên hệ với môi giới để được tư vấn nhưng kết quả lại không như mong đợi

“Họ nói giảm nhưng có điều kiện là phải thanh toán 98% giá trị căn hộ mới được mua nửa giá. Tôi hỏi căn 2 phòng ngủ rẻ nhất thì họ bảo 4,5 tỉ đồng, nghĩa là có giảm 1 nửa thì cũng hơn 2 tỉ cho căn đó. Mà đóng tiền xong cũng đã được nhận nhà đâu, phải chờ 3-4 năm nữa dự án xong mới có nhà để ở”, anh Phong cho biết.

Anh Phong cho rằng 2 tỉ đồng cho một căn chung cư 2 phòng ngủ là mức giá đáng để cân nhắc, nhưng việc chưa được sử dụng ngay sẽ là một thách thức lớn.

“Giờ chưa ở được thì vẫn phải thuê nhà, thuê thêm 3-4 năm nữa cũng tốn thêm mấy trăm triệu. Mà giờ làm gì có sẵn 2 tỉ để đóng luôn, phải đi vay đi mượn. Vừa tiền thuê nhà vừa trả lãi vay thì sao mà gánh nổi”, anh Phong ngán ngẩm.

Theo Cushman & Wakefield, trong quý 3/2022, các chủ đầu tư đưa ra chính sách thanh toán linh hoạt hơn cho người mua tại thời điểm kiểm soát tín dụng cùng với các chương trình ưu đãi, chiết khấu để giữ vững doanh số.

Nhiều chủ dự án tung các chính sách khuyến mãi, chiết khấu để cải thiện thanh khoản (hình minh họa)

Các chính sách kích cầu này có thể bao gồm chiết khấu 30-50% giá trị căn hộ cho khách hàng thanh toán nhanh, cam kết mua lại lô đất của khách hàng với mức lợi nhuận 13,3%/năm hay tặng đất nền nếu mua chung cư,…

Tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa cải thiện được tình hình thanh khoản thị trường. Số liệu của CBRE chỉ ra lượng giao dịch thành công trong quý 3/2022 giảm 36% so với quý 2 bất chấp các chính sách ưu đãi.

Anh Minh Đức, môi giới chuyên phân khúc căn hộ chung cư ở TP.HCM, cho rằng giao dịch sụt giảm ở thời gian này do thiếu vắng nhu cầu đầu tư và các chính sách ưu đãi chưa đủ thuyết phục các khách hàng ở thực.

“Khách mua để ở họ chỉ quan tâm đến các chính sách giảm giá sản phẩm còn các quà tặng kèm thì không thực sự hấp dẫn. Kể cả mức chiết khấu cao nhưng quy đổi ra số tiền phải thanh toán lớn thì cũng khó chốt được giao dịch”, vị môi giới cho biết.

Số liệu của CBRE chỉ ra, giá bán đối với căn hộ sơ cấp trong quý 3/2022 vẫn chưa hạ nhiệt, mức tăng khoảng 3% so với quý trước và 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá căn hộ tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp, chi phí xây dựng tốn kém và mức kỳ vọng lợi nhuận của chủ dự án vẫn còn cao.

Căn hộ thứ cấp có khá hơn?

“Nhà giá cao mà không được sử dụng ngay nên khó tìm được người mua ở thực”, anh Đức nhận định.

Môi giới cho biết nhà sơ cấp hiện không phải là phương án được phần đông khách hàng quan tâm. Thay vào đó, thị trường thứ cấp được đánh giá khả quan hơn khi các chủ nhà đã bắt đầu có động thái giảm giá để thoát hàng.

Khảo sát của Savills Việt Nam cho thấy mức chênh lệch về giá bán ở thị trường sơ cấp và thứ cấp ngày càng cao, từ 35-60%. Mức chênh cũng khác biệt ở các phân khúc. Trong đó phân khúc nhà ở bình dân có mức chênh lớn nhất giữa dự án mới và nhà đã bàn giao.

Căn hộ đã bàn giao đang được quan tâm hơn vì đã giảm trực tiếp giá bản (hình minh họa)

Anh Đức cho biết giao dịch sẽ diễn ra thuận lợi hơn nếu môi giới đứng về phía khách hàng, hỗ trợ thương lượng ép chủ nhà giảm giá. Nhưng điều này không thực sự dễ dàng.

“Môi giới nhà ký gửi có điểm khó là mỗi chủ nhà một kiểu, người chấp nhận thương lượng người không, người chịu giảm giá mạnh để thoát hàng, người thì mua đắt nên không dám cắt lỗ sâu. Cố gắng lắm thì thuyết phục được họ giảm 100-300 triệu đồng, mà giảm chừng đó thì vẫn vượt quá khả năng mua của khách hàng”, vị môi giới chia sẻ.

Người này hé lộ, khách mua của anh thường chỉ có trong tay khoảng 700 triệu – 1,2 tỉ đồng, khó có thể sở hữu căn hộ cơ bản nếu không vay mượn thêm. Tuy nhiên với việc lãi suất vay liên tục tăng, chính sách tín dụng khó khăn, nhiều khách hàng vẫn thể hiện thái độ ngần ngại khi phải thực hiện khoản vay lớn.

Chị Phương (TP.HCM) chia sẻ: “Giờ mua nhà xác định phải vay 1-2 tỉ đồng. Số tiền này còn hơn cả khoản tích góp 10 năm đi làm của vợ chồng tôi. Muốn vay phải tính trả nợ trong 10-20 năm. Mà thời gian dài vậy đâu biết có biến cố gì ảnh hưởng đến công việc. Năm ngoái vì dịch mà tôi phải ở nhà cả nửa năm, lương cũng bị cắt đến một nửa. Thật sự là không dám liều”.

Theo DKRA, giao dịch trên thị trường căn hộ thứ cấp trong quý 3/2022 vẫn có chiều hướng đi xuống. Yếu tố “giảm giá” vẫn chưa mang đến kết quả rõ rệt khi mức giảm chưa cao và chỉ diễn ra cục bộ, nhỏ lẻ.

  • Căn hộ chung cư tiếp tục tăng giá

    Căn hộ chung cư tiếp tục tăng giá

    Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo thị trường quý 3-2022, cho biết giá căn hộ chung cư tại TP.HCM và một số tỉnh phía nam tăng so với quý trước.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.