Mới chỉ một, hai năm trước, chung cư gắn mác cao cấp đắt giá chẳng kém "kiều nữ" vượt quá giá trị tự thân, làm mình làm mẩy khiến các chàng điêu đứng. Nay, sự thể như bóng nữ xế chiều.

"Chiến tranh lạnh" vì trót ôm chung cư


Kể từ khi vàng tăng vọt từ 3,7 triệu đồng/chỉ lên 4,8 triệu đồng/chỉ, cuộc "chiến tranh lạnh" gia đình chị Nguyệt chưa có dấu hiệu lùi bước. Số là hồi tháng 5, chị khuyên chồng nên rút số tiền gần 5 tỷ khỏi ngân hàng để đầu tư chung cư. Ban đầu, anh Nam gạt ngay: "Chung cư đứng và giảm giá từ đầu năm tới nay, ai dại gì ném tiền vào đó". Nhưng chứng kiến diễn biến thị trường năm 2009 và 2010, chị Nguyệt chốt: Đà tăng chung cư thường rơi vào cuối quý 2, đầu quý 3 mỗi năm, sau đó dừng lại và đi ngang. Như năm 2010, tại Khu đô thị Việt Hưng, chỉ trong mấy tuần cuối tháng 8, đầu tháng 9/2010 đã tăng 30% giá trị, từ 17-18 triệu/m2 lên 25-26 triệu/m2. Còn năm 2009, với mức tăng khoảng 30% cũng diễn ra trong tháng 8, tháng 9/2009. Đà tăng năm 2009 cũng diễn ra ở nhiều khu chung cư khác tại Hà Nội như Linh Đàm, Định Công, Cầu Giấy, Mỹ Đình, Pháp Vân…


Thấy vợ quyết chí, lại tính toán ra vẻ dân kinh doanh có hạng, rốt cuộc anh Nam đồng ý rút gần 5 tỷ đồng từ ngân hàng, mua ngay 2 căn chung cư tại khu CT9 nằm trên đường Nguyễn Cao Luyện. "Anh yên tâm, chỉ sang tháng 9 thị trường nổi sóng, cùng với việc đường Ngô Gia Tự sắp hoàn thành, chốt giá kiểu gì cũng có được trên 30 triệu/m2, hên số có thể lên 34, 35 như chơi" - Nguyệt hào hứng sau khi ký hợp đồng.


Nhưng gió xoay chiều, đã không hề có đợt sốt chung cư "theo quy luật" cuối quý 2, đầu quý 3 như nhận định. Thay vào đó, giá rớt đậm, nếu như đầu hè mức giá 25, 26 triệu/m2 thì hiện chỉ còn 21-23 triệu và rất khó bán. Trong khi đó, vàng đã bật phi mã, tăng hơn 20% giá trị. "Không quy ra vàng, nếu cứ để nguyên gần 5 tỷ trong ngân hàng, mỗi tháng cũng có hơn 60 triệu bỏ túi, đằng này mua chung cư, bỏ 5 tỷ, nay 4 tỷ còn khó bán, tính ra mỗi tháng lỗ 200 triệu và chưa biết còn lỗ đến đâu" - anh Nam lo lắng.


Chung cư đồng loạt "ngủ đông"


Theo tính toán, cùng đà giảm của bất động sản nói chung, giá chung cư tại Hà Nội đã rơi 3-5 triệu đồng/m2 so đầu năm. Chẳng hạn dự án chung cư NO5 (Trung Hòa - Nhân Chính) đang trong giai đoạn bàn giao nhà, tiền chênh giảm 3 tỷ đồng xuống mức 2-2,4 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ. Tại các khu cao cấp nằm vùng trung tâm như chung cư CT1 Mỹ Đình - Sông Đà, thời điểm đầu hè giá 38-40 triệu đồng/m2, nay giảm còn 35 triệu đồng/m2. Dự án chung cư Cienco 1 đường Hoàng Đạo Thúy, căn diện tích nhỏ đang được chào bán mức 42-43 triệu đồng/m2, căn hộ diện tích lớn trên 100 m2 giá thấp hơn, mức 38-39 triệu đồng/m2.


Chung cư M3, M4 Nguyễn Chí Thanh nằmở vị trí đắc địa, nếu như năm ngoái khách hàng bị hét trên 50 triệu đồng/m2 thì hiện chỉ dao động 40- 42 triệu đồng/m2. Tại khu đô thị mới Vimeco, giá mỗi m2 căn hộ cũng ở mức tương tự. Trong khi đó, tại khu vực Ngọc Khánh, giá chung cư 15-17 Ngọc Khánh khoảng 50 triệu đồng/m2 (đầu năm giao dịch 60 triệu/m2), chung cư 172 Ngọc Khánh 45-47 triệu đồng/m2, chung cư 57 Láng Hạ 40-45 triệu đồng/m2


Căn hộ chung cư rớt giá

Siết tín dụng BĐS cũng là điều kiện tốt để đẩy lùi nạn đầu cơ chung cư.

Không nên cởi mở với tín dụng bất động sản


Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có hơn 200 dự án chung cư đã và đang chờ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, số chung cư đang thi công cũng rất lớn như dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ (diện tích gần 300ha) do Công ty Vinaconex - Viettel làm chủ đầu tư; khu đô thị mới Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Vân Canh, Khu đô thị CEO Quốc Oai, Splendora nằm dọc đại lộ Thăng Long…


Trước thời điểm bất động sản xuống giá, chung cư được coi là kênh đầu tư hấp dẫn do nhiều tiện ích (ở ngay, thủ tục đơn giản). Các nhà đầu tư dồn tiền vào đất và chung cư để lướt sóng, người đầu tư lớn gom cả tòa nhà với cả chục căn hộ, người đầu tư trung bình gom theo tầng (8-12 căn), người đầu tư nhỏ lẻ thì mua lại 1, 2 căn… Vì thị trường tấp nập kẻ mua, người bán khiến lượng chung cư thời điểm đó rơi tình trạng xây bao nhiêu cũng thiếu. Người bán ít, người mua nhiều, cảnh xếp hàng chờ suất mua hay một người bán, nhiều người tranh mua diễn ra phổ biến. Được thể, người bán ra mặt làm cao như "bán suất ngoại giao", "bán ưu tiên cho người để ở".


Hiện, thị trường chung cư lâm cảnh xế chiều. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, những đợt xuống giá như thế này là cần thiết nhằm từng bước đưa giá chung cư về mức thích hợp bởi hiện tại, nó đã bị đẩy quá cao. Trong tương lai, thay cho việc cởi mở với tín dụng bất động sản, cần nhiều đợt thắt chặt tín dụng để bất động sản tiếp tục lùi, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nhà ở.


Chung cư rớt giá, vì sao vẫn vắng người mua?

Các chuyên gia bất động sản khuyên người có nhu cầu mua chung cư để ở nên tận dụng khoảng thời gian này. Tuy nhiên, thực tế giao dịch vẫn rất ít. Nguyên nhân do người có nhu cầu mua nhà ở, dù giá giảm 3-5 triệu đồng/m2 thì vẫn cao ngất ngưởng (2-4 tỷ/căn) nên không thể tiếp cận, còn người có điều kiện thì cơ bản đã mua từ trước. Trong khi đó, chung cư dưới 1 tỷ đồng được cho phù hợp túi tiền người có thu nhập trung bình hiện hầu như không có. Điều này cho thấy, lâu nay chung cư tấp nập mua bán, thổi giá chủ yếu do đầu cơ chứ không phải để ở.




Theo Phan Đăng (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.