Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào cho vấn đề này. Thị trường BĐS trong cơn bĩ cực đang chờ quyết định này như “nắng hạn chờ mưa”.
Chia nhỏ căn hộ đựoc coi là một giải pháp khả thi để tăng sức cầu bất động sản
Tại TP. HCM, trước khi giải pháp này được Thủ tướng đưa ra trước Quốc hội thì các DN cùng với Hiệp hội BĐS TP. HCM đã nhiều lần đề xuất lên các cơ quan chức năng. Người khởi xướng giải pháp căn hộ nhỏ phù hợp với túi tiền của đại đa số cư dân thành thị - ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành thẳng thắn: “Mặc dù đã được Thủ tướng đồng ý, Bộ Xây dựng ủng hộ nhưng cần một quyết định chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền thì căn hộ chia nhỏ mới đủ cơ sở pháp lý để tiến hành. Trên thực tế, một số DN đã sẵn sàng cho việc chia nhỏ căn hộ chung cư, nhưng vẫn phải đợi quyết định”.
Không chỉ DN nóng như lửa đốt chờ quyết định, mà rất nhiều người thu nhập thấp với mong muốn có “một chốn đi về” cũng thấp thỏm. Chị Nhung - nhân viên một công ty luật tại TP. HCM cho biết: “Mặc dù đã động viên gia đình mua chung căn hộ chia đôi diện tích nhưng cả chồng và gia đình chồng nhất định không chịu. Lý do là có mỗi tấm bìa đỏ mà có hai căn chung cư với hai chủ sở hữu khác nhau, vậy ai giữ, rồi sợ tranh chấp nảy sinh… Nếu Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương thì cần các cơ quan chức năng cần gấp rút có văn bản cụ thể”.
Trên thực tế, trong khi chờ đợi khung pháp lý cho căn hộ nhỏ, Công ty Lê Thành đã chuyển từ bán sang cho thuê căn hộ trong vòng 15 năm. Theo đó, mỗi căn hộ có diện tích 30 m2, khách hàng phải trả trước 240 triệu đồng, bình quân 1,3 triệu đồng/tháng. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty cho biết, Lê Thành đã cho thuê 30/40 căn thí điểm. Căn hộ nhỏ với giải pháp cho thuê và bán là thử nghiệm tín hiệu thị trường. Nếu thấy khả quan, sắp tới Lê Thành sẽ tung khoảng 2.500 căn hộ có diện tích 30 m2 và 60 m2 với tổng diện tích sàn khoảng hơn 130.000 m2 ra bán và cho thuê. Trên thực tế, diện tích căn hộ cho thuê nhỏ sẽ không phạm luật. Còn muốn bán thì phải đợi thủ tục, cho dù Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương.
Một vấn đề khiến các cơ quan có trách nhiệm còn e ngại khi cho phép chia nhỏ căn hộ chung cư có lẽ là nội dung “phù hợp với quy hoạch”, lo lắng hạ tầng khu vực đó có thể trở nên quá tải nếu đón thêm một lượng lớn dân cư, kéo theo nhiều công trình phụ trợ khác. Nhưng như thế nào là phù hợp và cơ quan nào được giao nhiệm vụ đánh giá sự phù hợp đó, tất cả vẫn còn chờ đợi.
Một số DN tại TP. HCM cho biết, trước bối cảnh thị trường hiện nay, nhiều khả năng họ cũng phải thực hiện giải pháp chia nhỏ căn hộ, nhưng phải đợi khi có văn bản cho phép chính thức. Bởi việc công bố sớm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, đặc biệt là tại phân khúc nhà cao cấp. Mặt khác, theo nhận định của giới kiến trúc sư thì không dễ chia căn hộ nếu công trình đã hoàn thiện. Việc có “chia” được hay không phụ thuộc vào thiết kế, ví dụ những tiểu mục như hệ thống vệ sinh, điện nước… trong căn hộ phải bố trí lại cho phù hợp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM khẳng định, trước đó, Hiệp hội đã chủ động xin chủ trương điều chỉnh căn hộ, đến nay rất nhiều DN BĐS đang chờ đợi quyết định chính thức từ Chính phủ rồi mới hành động. Khi chưa rõ ràng thì việc đi “xin” rất khó khăn và không hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến ngày 30/8/2012, cả nước tồn kho 16.469 căn hộ chung cư, trong đó có 5.176 căn hộ thấp tầng. Riêng tại TP. HCM, lượng hàng tồn kho khoảng 10.100 căn hộ chung cư, trong đó có 1.000 căn nhà thấp tầng. Chỉ cần 5 - 7% trên tổng số căn hộ được chia nhỏ thì người dân thêm một cơ hội không nhỏ để lựa chọn nơi ở và cũng có thể giải phóng đáng kể lượng hàng tồn, gỡ một mối trong nút thắt BĐS là “tồn kho” và “nợ xấu”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, khi các giải pháp Bộ trình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ sẽ quyết liệt triển khai. Căn hộ nhỏ, giá thấp với sự tham gia của nhiều DN sẽ nằm trong chiến lược nhà ở quốc gia mà Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ thực hiện.