Việc cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip đang được triển khai rộng khắp và được đánh giá là bước tiến mới trong quản lý hành chính về trật tự xã hội tại Việt Nam.
Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng CCCD gắn chip vì tính tiện dụng, thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch liên quan dịch vụ của Chính phủ điện tử. Vậy, CCCD của các nước có tính năng gì đặc biệt?
CCCD tích hợp chức năng ví điện tử
Xét theo góc độ sử dụng CCCD, có thể chia các quốc gia trên thế giới thành 3 nhóm gồm bắt buộc phải có CCCD, không bắt buộc phải có CCCD và không sử dụng CCCD.
Theo đó, nhóm nước bắt buộc phải có CCCD chiếm đa số, gồm nhiều nước lớn như Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Argentina hay Brazil.
Trong nhóm này, Argentina là một trong những quốc gia sở hữu CCCD có nhiều tính năng nổi trội. CCCD Argentina (DNI) ban đầu là một quyển sách nhỏ có chức năng như giấy khai sinh và được làm mới sau mỗi 15 năm.
Tới năm 2012, quyển sách nhỏ được thay bằng một tấm thẻ CCCD. Ba năm sau, tấm thẻ này được gắn chip tích hợp thông tin chủ nhân cũng như tài khoản thực hiện các thanh toán, giao dịch hàng ngày thông qua thẻ tín dụng.
Nhóm màu đỏ là các nước bắt buộc phải có CCCD, màu xanh là không bắt buộc phải có, còn lại là các nước không sử dụng CCCD. Ảnh: Wikipedia.
CCCD Malaysia (MyKad) cũng được tích hợp chức năng của ví điện tử, truy cập thẻ ATM, ứng dụng dùng để di chuyển và PKI (sử dụng để giao dịch điện tử). Ngoài ra, thẻ này còn tích hợp chức năng của 3 loại giấy tờ khác là bằng lái xe, thông tin hộ chiếu và thông tin sức khỏe.
MyKad được sử dụng để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng như thanh toán tiền mặt không hủy ngang, thanh toán và chuyển tiền; thanh toán chi phí hàng ngày như tiền vé xe bus, tàu điện ngầm, phí đỗ xe, cầu phà, điện thoại công cộng hay thực hiện các giao dịch điện tử như nộp, hoàn thuế, giao dịch ngân hàng trực tuyến và gửi thư điện tử an toàn.
MyKad được chia nhỏ thành 3 loại, gồm MyPR (dùng cho công dân thường trú Malaysia), MyKas (cho công dân ở Malaysia trong thời gian ngắn) và MyKid (cho công dân Malaysia dưới 12 tuổi).
Tại một số nước khác, CCCD cũng được tích hợp nhiều tính năng, mang đến sự tiện lợi cho cá nhân sở hữu thẻ. Tại Đức, căn cước công dân có thể được chấp nhận thay cho bằng lái xe. Tại Thái Lan, số CCCD được sử dụng như mã số thuế của người dân. Trong khi tại Nhật Bản hay Hàn Quốc, CCCD sử dụng như thẻ đa năng, cho phép ứng dụng trong các dịch vụ công cộng, hành chính, xã hội.
Nhiều nước không bắt buộc sử dụng CCCD
Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia trên thế giới không bắt buộc người dân sử dụng hoặc thậm chí không cần đến CCCD, như Anh, Mỹ, Pháp, Canada hay Australia.
Tại một số nước châu Âu như Pháp, Italy hay Hà Lan, người dân vẫn được cấp CCCD điện tử. Tuy nhiên, họ không bắt buộc phải mang theo người khi ra đường và chỉ cần xuất trình khi có yêu cầu làm việc của cơ quan chức năng hay lực lượng thực thi công vụ.
Khi thực hiện các thanh toán, giao dịch hay chi tiêu hàng ngày, người dân các nước này sử dụng các loại thẻ chuyên dụng có chức năng, mục đích sử dụng khác nhau.
Tại Mỹ, người dân từng bắt buộc phải sử dụng CCCD (đặc biệt người Mỹ gốc Phi) tới khi đất nước này bãi bỏ chế độ nô lệ. Hiện tại, CCCD ở Mỹ là giấy tờ không bắt buộc, không có mẫu chung và được thiết kế riêng theo mỗi bang. Tại nhiều bang của nước này, thẻ căn cước chỉ phải xuất trình khi đi bầu cử.
Mỗi bang của Mỹ có mẫu thiết kế giấy tờ riêng dành cho công dân.
Còn nhóm các quốc gia không sử dụng CCCD bao gồm Anh, Australia, Canada hay New Zealand...
Việc sử dụng căn cước phục vụ đời sống đã được các nước này áp dụng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, họ quyết định lược bỏ loại giấy tờ này.
Những quốc gia này chấp nhận cho người dân sử dụng hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ chăm sóc sức khỏe, giấy chứng nhận người trưởng thành hay giấy khai sinh như những loại giấy tờ có chức năng, vai trò tương tự CCCD.
-
10 thắc mắc thường gặp về thẻ CCCD gắn chip
Chip trên thẻ căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi công dân.