Việc bảo lãnh nhà ở sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho người mua nhà nếu có những quy định chi tiết hơn. Ảnh Thanh Thịnh.
Vì vậy tiểu nhóm đất đai kiến nghị cần làm rõ quy định này về các nội dung như thời hạn bảo lãnh, bên bảo lãnh, chi phí, mức giá,… hoặc áp dụng theo hướng thực tế hơn như đề án cũ là bảo hiểm hay chuyển tiền vào tài khoản đặt cọc.
Phản hồi vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục quản lí nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, giải pháp bảo lãnh nhà ở được đưa ra để vừa phát triển được các dự án bất động sản, vừa bảo vệ được quyền lợi của người mua nhà, đặc biệt những người mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thể bán nhà đang xây để giảm vốn đầu tư, chủ đầu tư có thể huy động từ những người mua nhà hình thành trong tương lai nhưng phải đóng một khoản phí cho một tổ chức tài chính đứng ra chịu trách nhiệm về bảo lãnh giao dịch này gọi là phí bảo lãnh.
Khi rủi ro xảy ra chủ đầu tư không thể bàn giao nhà theo đúng hợp đồng hoặc bị phá sản thì công ty hoặc tổ chức tài chính đứng ra bảo lãnh sẽ hoàn trả lại số tiền người mua nhà đã đóng trước hoặc tiếp tục triển khai dự án để bàn giao nhà cho người mua.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam có thể nghiên cứu đề xuất thành lập một công ty bảo lãnh riêng hoặc cũng có thể đưa ra cho các tổ chức tài chính/ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Nhưng vấn đề quan trọng là chỉ bắt buộc đóng bảo lãnh khi chủ đầu tư cần bán nhà ở hình thành trong tương lai, không bắt buộc đối với chủ đầu tư có khả năng về tài chính xây nhà hoàn thiện nhà xong để bán. Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản không đưa ra cụ thể các nội dung như: bên đứng ra bảo lãnh, mức phí, cách thức thực hiện,…Tuy nhiên, những quy định chi tiết này sẽ được đưa vào Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Bởi vì hiện nay trên thị trường bất động sản có nhiều chủ đầu tư tham gia huy động vốn của người dân, sau đó không chịu trách nhiệm về việc hoàn thành dự án hoặc không có năng lực tài chính để thanh toán lại và đền bù cho người mua.