Việc bán nhà ở hình thành trong tương lai mà không có ngân hàng bảo lãnh được đánh giá là cần thiết nhằm đảm bảo công khai minh bạch và hạn chế rủi ro cho người mua nhà. Ảnh: Thanh Thịnh
Đánh giá cao về Nghị định xử phạt vi phạm hành đối với các hoạt động này, coi đây là việc cần thiết nhằm đảm bảo công khai minh bạch và hạn chế rủi ro cho người mua nhà, nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia, cần phải nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh để có những điều chỉnh cho phù hợp, để doanh nghiệp tình nguyện thực hiện thay vì chấp nhận nộp phạt để được làm.
Nhấn mạnh rằng việc phạt cần thiết mặc dù hoạt động này sẽ phát sinh chi phí bảo lãnh, song ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng lưu ý rằng, nếu phạt không chưa đủ mà cần những nỗ lực từ phía cơ quan nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính và trách nhiệm công vụ của người thực hiện công vụ phải được thực hiện một cách đầy đủ.
Tương tự, Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc tại TP.HCM cũng cho rằng, quy định phải có bảo lãnh ngân hàng mới được bán nhà hình thành trong tương lai sẽ làm tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh, nên ít chủ đầu tư muốn thực hiện. Vậy nên hiện nay dù cho có quy định phạt tiền nhưng số tiền phạt từ 250 đến 300 triệu đồng không phải là nhiều, nếu không có hình phạt bổ sung thì mức phạt này còn chưa đủ tính răng đe, nên có thể nhiều doanh nghiệp chấp nhận hình phạt đó để bán hàng.
Tại một hội thảo mới đây do CafeLand tổ chức, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, việc bắt buộc bảo lãnh ngân hàng mới được bán nhà hình thành trong tương lai đã thực hiện được hai năm thế nhưng tin tức người dân không có sổ đỏ dù đã đóng đủ tiền vẫn liên tục xuất hiện, thậm chí có những dự án người dân còn không có nhà. Chính vì vậy ông Hiếu cho rằng phải xem xét việc bảo lãnh cho nhà hình thành trong tương lai có kết quả ra sao.
“Tôi là người làm trong ngân hàng nhưng tôi cũng không nắm được thông tin hiện tại có bao nhiêu tỷ đồng bảo lãnh cho nhà hình thành trong tương lai và tôi cũng chẳng biết rằng trong những bảo lãnh đó có sự tranh chấp nào không”, ông Hiếu nói và lưu ý rằng việc phát hành bảo lãnh là một chuyện nhưng để các ngân hàng thực hiện bảo lãnh lại là câu chuyện khác mà gần như ngân hàng là người “cầm trịch” vì những điều khoản ràng buộc kỹ càng khi ký bảo lãnh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), yêu cầu bảo lãnh đối với việc bán hoặc cho thuê mua nhà ở thương mại hình thành trong tương lai là để tránh những rủi ro cho người mua nhà. Vì trong một thời gian dài thị trường bất động sản đã phát triển, bùng nổ rất tự do mà không có kế hoạch, nhà nhà làm bất động sản, người người làm bất động sản dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là rủi ro về phía người tiêu dùng, những người yếu thế khi tham gia thị trường.
Việc yêu cầu bảo lãnh đối với việc bán nhà hình thành trong tương lai là để giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động mua bán của người mua bởi vì ngân hàng sẽ cùng với người mua, cùng với chủ đầu tư nhanh chóng đi đưa sản phẩm vào trên thị trường. Từ khi áp dụng quy định bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai, thị trường phát triển theo hướng tích cực và cân bằng hơn, xét từ vị thế của người mua, ông Khởi nói.
Theo điều 56 Luật Kinh doanh Bất động sản ban hành năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở tương lai phải được ngân hàng thương mại thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết với khách hàng, ngân hàng sẽ đứng ra bồi thường cho người mua theo cam kết trong hợp đồng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai. Đây được xem là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người mua nhà hình thành trong tương lai. |